Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014
Nơi ấy có còn em?
Lướt web tình cờ thấy bài viết của mình trên blog của niềm yêu thương. Một lần nữa
ngày ấy lại hiện về qua nhịp cầu của em, những ngày SV đầy ắp …
Hơn 10 năm rồi nhỉ. Ai biết thời gian trôi như thế nào! Có thể như cơn lốc cuốn cuộc
đời trôi đi và vùi chôn tất cả.
Nhưng
con người hình như không bao giờ khuất phục nên đã trang bị cho mình một trái
tim yêu thương. Lặng lẽ, ẩn giấu rồi vỡ òa đề phải ngỡ ngàng…
Cách đây vài hôm, ngày 28/12, là ngày rất nhớ của Văn K16. Ngày học cuối cùng:
28/12/1996. Ngày ấy, thầy Mai Xuân Miên đã lảng tránh tránh nhiệm của lý trí để
sồng bằng con tim, bằng cảm xúc học trò của mình. Những giây phút tưởng chừng
không bao giờ quên. Ấy vậy mà cách đây vài hôm chính mình đã quên! Nói như ông
giáo trong Lão Hạc, rồi có lúc mình không giữ được gì mình muốn nữa rồi.
Em
là sợi dây mỏng mảnh nhưng đầy ma lực nối hai miền quên - nhớ. Người ta quên bởi
có lý do là không có gì để nhớ; tôi thì không. Tôi có em.
Một buổi chiều mưa vùng đất quê vàng úng những chiếc lá xanh. Tịnh mịch, xa xăm,
nhiều sự yên lặng của một tâm hồn. Chút khói chiều bãng lãng mơ màng dẫn lối
trong tiếng mơ hồ. Chiều ấy Hà thành cô quạnh; đất quê lạc lõng. Giữa sự đời, những
nỗi niềm hay bám víu, nương tựa.
Tôi
lần theo em tìm lại được tôi hơn 10 năm về trước. Hồn nhiên trong bọc tuổi trẻ,
tuổi SV trong sáng đến lạ kỳ. Đã có lần tôi ghi lên tập ngôn ngữ: Quí tộc Nga thế kỷ XIX để chán nản cái
chuỗi ngày dai dẳng đến tận 4 năm, mong ra đời mà bương chải, mà làm ăn. Hai tiếng
làm ăn đầy tự hào và kiêu hãnh. Thầy N. Q. Cương, một giảng viên văn khoa chứa
đầy máu kinh doanh có lần nhắc nhở: Những điều tôi phải dạy đều có trong giáo
trình, còn những điều tôi nói thì không… Đó là những câu chuyện làm ăn, kinh
doanh và bương chải. Nghe như vịt nghe sấm nhưng cơ ngơi của thầy đã là một thần
tượng cho lũ SV nghèo khao khát.
Ra đời. Xin chỗ nào cũng nhận. Làm báo, tỉnh đoàn, trường chính trị… chỗ nào tương
lai cũng hậu hĩnh. Tôi lại chọn nghề giáo! Nhớ thầy Miên: Ông ra đó chỉ làm ông
giáo làng mà thôi.
10 năm, tôi làm ông giáo làng trong bốn lũy tre chắc chắn. Kiến thức cũ mòn, đối
tượng giao tiệp lại học mình, ra đường nghe ai cũng gọi “ông thầy” đầy kiêu ngạo,
rồi lương còm cõi hao hụt… làm tôi, không biết tự bao giờ đã là ông giáo làng: ngu ngơ như ếch ngồi đáy
giếng, và tệ hơn là chẳng biết mình ngu ngơ. Cố bương ra ngoài bằng nhiều nghề:
Làm báo, kinh doanh, trang trại… để có cơ hội giao tiếp với đời, chạy theo hụt
hơi mong thấy được nhịp của xã hội. Nhưng nhuễ nhoại. Tôi bị vùi chôn dưới lớp
bụi thời gian. Vùng vẫy, kêu la đến khản lời. Rồi xung quanh tôi, trong kiếp
nghèo về tiền bạc, hèn về quyền lực, còn vô số kiếp đang say sưa, cặm cụi…
Và,
cho đến một ngày có em.
Cái quá khứ thức dậy để con người khao khát, thèm muốn những gì
ngày xưa mong muốn. Sức trẻ trỗi dậy như hòn than lâu ngày bọc trong tro bụi giờ
được khơi bùng. Tôi ngoi lên đống bụi để được hít thở, được tham vọng.
Tôi thấy yêu hơn cõi đời. Bởi, trong cõi đời còn có cuộc đời. Trong tiếng van nài của cơm - áo – gạo – tiền tôi thấy thằng tôi cũng còn chút đáng sống của
cái gọi là giá trị nhân văn.
Tôi nhắn tin cho bạn bè, cho thầy Miên về cái ngày 28/12 đáng nhớ; tôi làm blog trưng bày những kỷ niệm đẹp; tôi cố giữ
liên lạc với em, với cuộc đời. Bởi không có niềm tin nào (cho dù là Chúa) tuyệt
đối bằng sự trung thành của kỷ niệm.
Niềm tin ấy làm tôi trong sáng!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét