Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Trả nợ rừng


20:37', 9/9/ 2012 (GMT+7)
Từng phá rừng, buôn trầm để làm giàu nhưng sau những lần vấp ngã, giật mình nghĩ đến câu nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, anh quyết định quay về ươm cây, trồng rừng để trả món nợ gây ra thời trai tráng. Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tiến, chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng có tiếng ở huyện Hoài Ân.

Dưới cái nắng gay gắt, thợ làm vườn của anh Tiến vẫn miệt mài đảo bầu keo con.

Chúng tôi về xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân để nghe câu chuyện của người được ví như “thủ lĩnh ươm, trồng rừng”. Nhìn những mảng rừng xanh phủ kín dần trên những sườn đồi, ai cũng trầm trồ về sự đổi thay. Vùng đất nghèo khó năm xưa, nay đã trở thành vùng trọng điểm trồng rừng nhờ có sự góp công của nhiều người, trong đó có đôi bàn tay của anh Nguyễn Văn Tiến. Ít ai biết rằng, thời còn trẻ, dấu chân anh không sót bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào nơi rừng sâu để tìm trầm.
Một thời “ăn của rừng”
Nguyễn Văn Tiến kể, mình sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo, tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả. Ba mất sớm, mẹ đau bệnh quanh năm, nhà lại đông anh em, những cơ cực đã nhen nhóm trong tâm trí tôi ý chí tự lập. Nhưng bước đầu lập nghiệp của tôi khi đó là theo lâm tặc phá rừng.
Tốt nghiệp THPT, thay vì làm hồ sơ thi đại học như bạn bè cùng lớp, Nguyễn Văn Tiến đầu quân cho một nhóm đi địu (tìm trầm) mong đổi vận. Vậy là tuổi trẻ chìm luôn dưới tán rừng già, ngược xuôi các tỉnh Tây Nguyên, cho đến Quảng Trị, Cao Bằng, rồi sang tận Lào, Campuchia…
Cuộc chiến của những người đi địu vô vàn nguy hiểm, dấn thân vào chốn rừng thiêng nước độc, sốt rét ác tính, rắn rết cắn, cây đè, thú dữ, lở núi, lũ quét… Nhưng, anh Tiến bảo chuyện này chưa thấm vào đâu so với chuyện luôn phải đối mặt với các băng nhóm tranh giành lãnh địa, cướp “hàng”, khi ấy mạng người mong manh lắm. Anh không nhớ rõ đã bao lần leo đèo, lội suối và bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, cùng máu đã đổ trên những cánh rừng nơi anh đi qua. Anh trầm ngâm kể: “Đận nào trúng trầm thì mấy anh em về sớm, còn không phải đi suốt hai ba tháng liên tục, hết lương thực lại ghé vào các bản làng mua rồi đi tiếp. 10 năm trời đánh vật với rừng, với trầm, tôi chứng kiến nhiều bạn bè gởi xác giữa rừng già!”.
Sau đôi ba lần trúng trầm, tích góp được một số vốn kha khá, anh chuyển sang buôn trầm. Luật bất thành văn trong nghề này là “tiền trao cháo múc”, để trở thành một lái buôn trầm cấp nhỏ trong tay phải luôn có vài trăm triệu đồng, buôn trầm lớn vốn lận lưng có khi lên đến vài chục tỉ đồng. Với ít vốn “lận lưng”, anh Tiến thuê nguyên một đội quân làm tay chân cho mình, rồi chính thức trở thành ông chủ lâm tặc buôn trầm cỡ nhỏ từ đó.
“Buôn trầm là hàng quốc cấm, một vốn mười lời, gặp thời phất lên như diều gặp gió, lỡ bị bắt coi như của đi thay người. Đã có không ít lái buôn sạt nghiệp, vào tù vì trầm”, anh Tiến chia sẻ.
Tận diệt hết cánh rừng này, anh Tiến lại cho quân sang khắp các cánh rừng khác. Anh nhớ lại: “Ngày ấy, tôi như con thú hoang, chỉ cần biết chỗ nào có thể có trầm là lập tức đưa quân lên tìm, kiếm, đốn hạ cây rừng không thương tiếc”.
Mỗi đường dây buôn trầm phải thiết lập cung đường bí mật riêng, luôn luôn nuôi nhiều “đàn em”, trang bị cả máy bộ đàm, xe ô tô, xe máy để hoạt động. Người thì chuyên đi bắt mối từ xa, người thì cắt rừng tạo đường vận chuyển thật an toàn kín đáo bí mật cho đường dây của mình. Kể đến đây, anh Tiến thở dài, chừng như chưa hết nỗi kinh hoàng và ám ảnh của những ngày băng rừng lội suối “lùng” trầm. Ấy là câu chuyện khoảng 2 giờ sáng một đêm tháng 7.1986, anh Tiến cùng anh em gom hàng ở Lào về cách cửa khẩu Lao Bảo (Đông Hà, Quảng Trị) chừng 3km thì bất ngờ từ trong rừng hơn 30 tên thổ phỉ bắn xối xả vào nhóm để cướp hàng. Lần ấy, chuyến hàng lớn gom cả tháng trời, bị cướp mất, tiếc lắm nhưng cũng đành phải bỏ của chạy lấy người. Thế là hơn 1 tỉ đồng mua trầm tan theo mây khói.
“Những lần thấm đòn máu, rồi trắng tay về quê không một xu dính túi. Những tháng ngày dài nằm ở nhà, nghĩ lại một thời “ăn của rừng”, tự mình nhận ra lỗi lầm của mình”, anh tâm sự. Không bao lâu sau, anh Tiến tiếp tục một cuộc hành trình trở lại với rừng, nhưng không phải để phá rừng…

Từng một thời phá rừng, buôn trầm để làm giàu, giờ anh Tiến trở thành chủ một cơ sở ươm cây, trồng rừng có tiếng ở huyện Hoài Ân.

Tay trắng trả nợ rừng
Những cây dó bị hạ xuống để tìm trầm làm ngã biết bao cây xung quanh. Hàng trăm hay hàng nghìn cây, không còn nhớ rõ, nhưng trong giấc ngủ hằng đêm của anh, dó vẫn cứ đổ ầm ào. Bị ám ảnh mãi không dứt, anh nghĩ mình phải làm gì đó để trả nợ rừng.
Tại sao không đem cây dó về trồng? Phải trồng rừng, một ý nghĩ chợt lóe lên! Nhưng tay trắng phải bắt đầu từ đâu? Được các thợ bạn từng một thời theo anh bạt rừng động viên, anh Tiến thuê một mảnh đất, quyết tâm ươm dó, trồng cây tạo trầm. Anh nghĩ: Có thể không đền đắp lại được những gì đã gây ra nhưng đó là cách để phần nào chuộc lỗi với rừng.
Cuối những năm 80, anh bắt đầu cuộc hành trình mới, mày mò nghiên cứu cách ươm, trồng cây dó, keo, bạch đàn. Một lần nữa anh khăn gói vào rừng, không phải để chặt mà là nhổ cây dó con, nhặt hạt về ươm, trồng. Lấy cây mì làm bóng mát, anh trồng chen vào cây dó, nhiều người làm cỏ mì thấy cây lạ cuốc bỏ đi. Việc làm không giống ai, không ai hiểu của anh Tiến ngày đó khiến dân trong làng cho là anh bị ma rừng ám.
Nhưng, sự kiên trì với ý tưởng đem trầm về đồng bằng trồng của anh Tiến cuối cùng cũng có kết quả khi nhiều cây dó đã được ươm, trồng thành công. Nhiều người thấy thế, theo anh mua giống để trồng. Nhiều cây dó con được ươm thành công, anh trở thành người phân phối giống trong huyện, rồi xuất lên các huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), Kon Chrò (Gia Lai)...
Sau một thời gian chỉ bày cho nhiều người trồng dó, đích thân anh đi mua lại những cây dó từ 5 tuổi trở lên để khoan lỗ tạo trầm. Anh lại đi buôn trầm, nhưng lần này là làm ăn chính đáng ngay trên quê nhà, không lội rừng nguy hiểm lại giúp được nhiều gia đình khấm khá lên từ cây dó.
Năm 1998, Nhà nước có chương trình 327 trồng mới 5 triệu hecta rừng, anh Tiến nhận khoán trồng, chăm sóc khoảng 3 ngàn hecta. Dãy núi 32 Đồi Tranh, xã Ân Nghĩa, chết vì bom đạn, chất độc hóa học trong chiến tranh đã được hồi sinh. Rừng keo bạt ngàn của anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.
Nhận thấy nhu cầu trồng rừng ở đây rất lớn mà thiếu cây con, anh xin xã cho thuê khu đất trống sau chợ Kim Sơn làm vườn ươm keo. Từ ươm keo hạt anh mò tìm nghiên cứu sách báo, internet chuyển đổi từ keo hạt sang giâm hom keo lai. Vườn ươm của anh Tiến ngày một phát triển, sản xuất keo lai với số lượng lớn, xuất bán cho nhiều đơn vị, bà con trồng rừng trong và ngoài huyện.
Tiếng đồn gần, đồn xa, nhiều công ty, dự án trồng rừng đến đặt hàng. Cây giống của anh được nhiều người trồng rừng ưa thích vì anh luôn tuân thủ các quy trình kỹ thuật khi cắt cành, giâm bầu, công đoạn làm đất che chắn vườn ươm, hệ thống tưới nước phun sương bán tự động, đảm bảo tỉ lệ sống cao.
Hàng năm, cơ sở của anh cung cấp giống cho Công ty Lâm Nghiệp Sông Côn, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân, Dự án hỗ trợ sản xuất 135, Dự án khôi phục quản lý rừng bền vững (KFW6) huyện Hoài Ân, Chi nhánh lâm trường Bồng Lai, tỉnh Quảng Bình… Anh còn tận tình giúp đỡ nhiều gia đình trong huyện kỹ thuật trồng rừng và hỗ trợ cây giống. Thu nhập từ rừng đã làm thay đổi hẳn cuộc sống nhiều người dân ở đây, từ chỗ khó khăn đến thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tham quan vườn ươm của anh, đi trong những luống hom vừa cho vào bầu thẳng tắp, hệ thống tưới nước tự động khắp vườn, những hom keo đâm chồi nảy lộc, chúng tôi không khỏi thán phục ý chí vượt khó vươn lên làm giàu của anh. Ngồi nhìn lại những cánh rừng xanh đến ngút tầm mắt, nơi sâu hút trong những vạt rừng chôn vùi thời tuổi trẻ, anh Tiến chợt rùng mình. Một thời nông nổi đã qua nhưng những căn bệnh của rừng vẫn còn đeo bám, thỉnh thoảng cơn sốt rét ập đến nhắc nhớ lầm lỗi một thời. Những bài học xương máu đã dạy cho anh thấm thía cách đối xử với rừng. Và hàng ngàn hecta rừng được anh nhận trồng, chăm sóc ngày càng xanh ngay trên quê hương.  Chia tay anh Nguyễn Văn Tiến giữa vườn ươm keo lai đang hối hả đâm chồi nảy lộc, chúng tôi mang theo tâm sự của anh Tiến “chỉ khi nào giữ được màu xanh cho rừng, tôi mới trả hết được món nợ đã gây ra với rừng”.   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét