Thứ Năm, 26 tháng 9, 2013

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân: Người 'đi nhặt của rơi của cha ông'

Ngoài tám mươi, thầy giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân vẫn miệt mài với việc sưu tầm, nghiên cứu những tinh hoa văn hóa các dân tộc.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân: Người “đi nhặt của rơi của cha ông”
Thầy giáo - nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân - Ảnh: Lê Hoài Lương
Ông nói rất hình tượng rằng mình “đi nhặt của rơi cha ông”. Đã “nhặt” được cả chục công trình có giá trị, được trao tặng nhiều giải thưởng như một điều hiển nhiên về tâm huyết và trí tuệ, nhưng ít người biết hành trình ông đã và đang khẳng định mình có căn nguyên sâu xa như tiền định…
Nguyễn Xuân Nhân sinh ngày rằm tháng mười năm Nhâm Tuất (1932) ở Can Lộc, Hà Tĩnh. Bố là thầy giáo Nguyễn Xuân Đoàn, dạy học thời Pháp thuộc, sau làm hiệu trưởng trường tiểu học trong kháng chiến chống Pháp. Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Bảy, hậu duệ trực hệ thứ 6 của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Nôm na là một lý lịch thuộc “tầng lớp trên” thời bấy giờ. Ông học hết trung học trường trong kháng chiến rồi xung phong vào Vệ quốc quân, tham gia chiến trường Điện Biên Phủ thuộc Phân khu nam Hồng Cúm. Rồi tham gia tiếp quản thủ đô. Cái bằng phổ thông trung học của ông đã được cấp trên chú ý và rút lên Bộ Quốc phòng, sau chuyển sang Bộ Giáo dục.

Các công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân đã xuất bản: Văn học dân gian Tây Sơn, Truyện cổ thành Đồ Bàn, Các ngôi sao Tây Sơn, Văn hóa cổ truyền các làng quê Bình Định (chủ biên), Cảng Thị Nại Nước Mặn và văn hóa cổ truyền, Nếp sống cổ truyền của người Chăm Bình Định, Văn hóa người Chăm H’roi ở huyện Vân Canh - Bình Định, Văn nghệ dân gian Bình Định, tác giả tác phẩm (nhiều tác giả)... Các công trình của ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng trung ương, giải Xuân Diệu - Đào Tấn của tỉnh Bình Định.
Được ưu tiên chọn nơi công tác, ông xin về Việt Bắc (Thái Nguyên). Cuộc “xin về” khu Việt Bắc vừa hợp với vùng chiến khu xưa đang rất thiếu cán bộ, vừa hợp với hoàn cảnh ông: gia đình ở quê oằn mình trong cuộc đấu tố cải cách ruộng đất. Nhà ông bị quy thành phần “công chức kiêm tiểu thổ địa xuất tô”: mấy khoảnh ruộng bố ông mua bằng lương dạy học thời Pháp thuộc là tai họa. Đất “thủ đô gió ngàn” lại bao dung để ông có cơ hội đưa 2 người em ra nuôi ăn học, rồi hơn mười năm sau, đón bố mẹ rời quê ra chung sống. Mãi đến năm 40 tuổi ông mới lập gia đình.
Từ một thầy giáo trẻ dạy phổ thông trung học, tối thầy học, sáng lên lớp, một năm sau ông đã được đề bạt làm hiệu trưởng. Rồi về Ty Giáo dục làm trưởng phòng giáo dục phổ thông. Năm 1960, khi được đề bạt dự tuyển học đại học, hồ sơ ông bị gạn lại với lý do: “thành phần trên học nhiều rồi, giờ để con em nông dân học”. Không nản chí, năm sau ông xin đi học hệ hàm thụ Đại học Sư phạm Hà Nội I, 4 năm cấp bằng 3 năm, hóa hay: học hàm thụ được hưởng 100% lương, đủ điều kiện lo cho gia đình. Vừa công tác ông vừa xin đi học hàm thụ chương trình cao học thí điểm rồi được rút về Bộ Giáo dục làm Tổ thư ký theo dõi giáo dục miền núi và tham gia Viện Nghiên cứu giáo dục. Sau 3 năm long đong đi, về không đủ sống, ông xin về dạy Đại học Thái Nguyên để có điều kiện chăm lo gia đình và bố mẹ, riêng vị trí ở Viện Nghiên cứu giáo dục vẫn giữ nguyên.
Nên sau năm 1975, ông là người duy nhất được Bộ Giáo dục cử vào đoàn 6 thành viên vào nam nghiên cứu và giải thích chính sách về ngôn ngữ với các dân tộc Chăm, Khơ me… bởi kinh nghiệm hai mươi năm am hiểu các dân tộc miền núi phía bắc. Hai năm đi đến từng làng xã Nam bộ, Nam Trung bộ cho vấn đề thống nhất ngôn ngữ tiếng phổ thông. Rồi mất nguyên một năm xây dựng Khoa Sư phạm ở các trường đại học Cần Thơ, Đà Lạt, Đại học Tây nguyên…, đến năm 1978 mới chính thức về xây dựng Trường đại học Quy Nhơn, làm Trưởng khoa Văn. Ngay khóa đầu tiên của trường, ông đã tổ chức cho sinh viên đi điền dã sưu tầm văn học thời Tây Sơn cả 2 vùng thượng, hạ đạo. Và bắt đầu cho công việc của một nhà nghiên cứu.
Thời kỳ này kinh tế đất nước nhiều khó khăn, học bổng ít ỏi và gạo cho sinh viên thường muộn. Thầy Nguyễn Xuân Nhân nghĩ ra cách dựa vào các hợp tác xã nông nghiệp, bên cạnh xuống cùng dân sưu tầm, thầy trò giúp địa phương viết lịch sử đảng bộ xã. Các địa phương rất hoan nghênh. Vậy là lo được cái ăn. Ông hãnh diện khoe mình quen biết thật nhiều lão nông Bình Định trong những chuyến đi dài. Những biến báo trong hoàn cảnh khó khăn buổi đầu đã giúp ông đặt nền tảng cho phương châm “gắn nhà trường với địa phương” mà nhiều năm sau này vẫn còn hiệu quả. Không chỉ ở Bình Định, 14 năm làm chủ nhiệm khoa đến khi nghỉ hưu, ông đã tổ chức rất nhiều chuyến đi cho thầy trò đến những địa phương các tỉnh Phú Yên, Quảng Ngãi… Nhiều học trò ông hiện nay là giảng viên tiếp bước với điều kiện thuận lợi hơn bây giờ, đã vươn xa thêm các vùng miền trong việc nhặt nhạnh vốn quý văn hóa cha ông.
Từ các mối quan hệ quen biết hồi ở Hội Văn nghệ Việt Bắc, ở Bộ Giáo dục, Nguyễn Xuân Nhân là người khởi xướng làm “bà đỡ” cho văn nghệ dân gian Việt Nam ở Bình Định. 7 năm hoạt động độc lập đến 1996 mới về Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, và ông liên tục nhiều nhiệm kỳ được tín nhiệm bầu làm chi hội trưởng. Uy tín của “thầy Nhân” không chỉ ở chuyên môn, ông luôn hết lòng giúp đỡ mọi người việc hoàn chỉnh các tác phẩm, cả những lo toan in ấn, xuất bản.
Nếu đời người chia thành từng chặng quan trọng thì cuộc đời thầy giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Xuân Nhân có thể chia làm 3 phần: tuổi thơ ăn học với gia đình và quê hương Hà Tĩnh, chặng đường nỗ lực vượt qua những thử thách và khẳng định mình ở Việt Bắc, và Bình Định là nơi tạo ra danh phận một nhà nghiên cứu. Ông và gia đình định cư lâu dài nhất ở Bình Định và hẳn là đến cuối đời vì phần mộ bố mẹ ông cũng đã được đưa về đây. Nơi bình yên, thanh thản nhất ông có được và cũng nỗ lực đền đáp. Bằng những công trình văn hóa cổ đặc sắc mà ông nhẹ nhàng tự nhận là chỉ làm việc “nhặt của rơi” cha ông.
Giờ các con ông đã trưởng thành, người làm khoa học, người nối nghiệp bố giảng dạy ở Trường đại học Quy Nhơn. Ông cùng vợ, bà Trần Thị Minh Phương, một cô giáo người Hà Nội, sống trong ngôi nhà nhỏ vốn là căn hộ tập thể của trường đại học. Mọi người yêu mến quý trọng ông vì ông lành hiền, sống hết lòng với mọi người, với công việc như một nhà giáo mẫu mực, một nhà nghiên cứu tận tâm và trí tuệ.
Lê Hoài Lương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét