Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Đổ chất thải đất đèn lên bãi rác, dân phản ứng

TT - Hơn hai năm qua, khoảng 2.000 tấn chất thải đất đèn (CaC2 sludge) được tập kết vào bãi rác của Xí nghiệp quản lý và chế biến rác thải Long Mỹ (xã Phước Mỹ, ngoại thành TP Quy Nhơn, Bình Định). Người dân rất bức xúc trước tình trạng chất thải đất đèn tích tụ gây ô nhiễm môi trường.
Xe tải 77H-3035 đổ chất thải đất đèn xuống bãi rác Long Mỹ - Ảnh: Trường Đăng

Chất thải này được chở về từ Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin Khánh Hòa. Theo các cơ quan chuyên môn, CaC2 sludge là chất thải bùn đất đèn sau hàn xì thân tàu.
Dân kêu trời
Sau nhiều lần phản ứng với Xí nghiệp quản lý và chế biến rác thải Long Mỹ không thành, sáng 22-10 bà con xã Phước Mỹ đã giữ hai xe tải chở chất thải đất đèn vừa từ Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin Khánh Hòa chở tới.
Trong số những người dân địa phương phản đối việc tập kết chất thải đất đèn tại bãi rác Long Mỹ có cả những người gần ba năm nay làm nghề cào chất thải từ thùng xe tải xuống bãi.
“Cũng vì miếng cơm manh áo mà cắn răng làm thôi, chứ tiếp xúc lâu ngày với chất thải đất đèn, hai cẳng chân tôi liên tục sưng húp. Những hôm trời nắng, dù đeo khẩu trang nhưng mùi hăng nồng bốc lên, tôi cào nửa chừng là muốn ngất xỉu luôn”- ông Trần Văn Tài (53 tuổi), từng cào chất thải đất đèn gần ba năm, nói.
Tiền làm thuê cào chất thải từ thùng xe xuống bãi rác được trả 9.000 đồng/tấn. Mỗi xe chở 35-40 tấn chất thải đất đèn, ông Tài và nhóm bạn cùng làm thuê được trả khoảng 300.000 đồng. Bình quân mỗi người kiếm được 50.000-60.000 đồng/chuyến.
Nhân viên Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường Bình Định lấy mẫu kiểm tra chất thải tại bãi rác Long Mỹ, Bình Định - Ảnh: Trường Đăng
Những người nông dân khốn khổ bắt đầu giật mình khi lần lượt vợ con họ mắc một căn bệnh chung: khó thở, ho hen kéo dài, uống thuốc kháng sinh không bớt và một số người mắt bị mờ dần đi. Bà Phạm Thị Đào, vợ ông Tài, cũng mắc căn bệnh này hơn một năm nay. “Tiền làm thuê chỉ đủ đong gạo nuôi con qua ngày, nay vợ con tui và chính tui mắc bệnh, không tiền thuốc thang, chắc phải bán căn nhà để chạy chữa” - ông Tài tâm sự.
Ông Tống Ngọc Sanh (48 tuổi) - một người dân Phước Mỹ - cho biết cả ba đứa con của ông đều bị bệnh đường hô hấp, thuốc thang mãi không bớt.
“Bà con chúng tôi đội đơn lên xí nghiệp rác, lên cơ quan chủ quản của xí nghiệp là Công ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn, nhưng không ai đoái hoài. Sau này họ nói chất thải đất đèn không gây hại. Họ có sống ở đây đâu mà biết” - ông Sanh nói.
Nhiều người dân thôn Thanh Long (xã Phước Mỹ) cũng trở thành nạn nhân bệnh tật của bãi rác Long Mỹ. “Khi trời mưa gió lớn, cách cả cây số vẫn thấy mắt cay nồng và khó thở. Không chỉ trẻ con trong thôn, cả người lớn như bà Sáu Quảng ở tận xóm trên đã bị mờ mắt, bà Võ Thị Kiếm ở đầu thôn cũng bị tương tự. Chính quyền thôn, xã đều biết nhưng thật ra địa phương đâu có quyền hành gì, chỉ biết báo cáo và chờ đợi như người dân chúng tôi vậy thôi” - lão nông Phạm Đình Trung nói.
Không gây hại?
Giám đốc Công Ty TNHH Môi trường đô thị Quy Nhơn Nguyễn Nên Danh khẳng định chất thải đất đèn tập kết vào bãi rác Long Mỹ không phải là chất gây hại. Ông Danh giải thích nguồn gốc đất đèn (CaC2) của Công ty cổ phần Dịch vụ công nghiệp hàng hải (INSECO) ở Quy Nhơn bán cho Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin Khánh Hòa để hàn xì thân tàu. Sau khi hàn xong, chất thải đất đèn được đưa về tập kết ở bãi rác Long Mỹ.
“Chúng tôi hợp đồng xử lý chất thải đất đèn của INSECO hơn hai năm qua, giá 63.000 đồng/m3. Bình quân mỗi tháng xe chở về bãi rác 60 tấn. Về công thức hóa học, chất thải đất đèn giống như vôi nên chúng tôi sử dụng để phân hủy rác, tiêu diệt côn trùng trong bãi rác” - ông Danh giải thích.
Theo giám đốc INSECO Nguyễn Phi Hanh, hợp đồng bán đất đèn cho Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Hyundai Vinashin Khánh Hòa được thực hiện sáu năm qua.
“Trước đây, chúng tôi vận chuyển chất thải đất đèn về lại Bình Định và bán cho một doanh nghiệp chế biến vôi ở huyện Tuy Phước với giá 200.000 đồng/tấn. Nay doanh nghiệp vôi giải thể nên phải tập kết vào bãi rác Long Mỹ, thất thu một khoản tiền lớn còn phải nộp phí cho xí nghiệp xử lý rác, thực chất chất thải đất đèn chỉ là vôi, có thể gây hăng, mùi khó chịu nhưng không gây hại cho sức khỏe con người” - ông Hanh nói.
Tuy nhiên, TS Võ Ngọc Anh, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Bình Định, lại bày tỏ hoài nghi: “Tôi cho rằng về mặt lý thuyết, nếu khẳng định chất thải đất đèn vô hại là không có cơ sở và tất nhiên nó cần được xử lý chôn lấp đúng quy trình, không để ảnh hưởng ra môi trường dân sinh”.
Cùng quan điểm với TS Võ Ngọc Anh, ông Dương Quang Vinh - phó phòng kiểm soát ô nhiễm môi trường (Sở Tài nguyên - môi trường Khánh Hòa) - khẳng định: “Thông thường đất đèn (CaC2) được cho phản ứng với nước để tách lấy khí acetylen (C2H2) phục vụ việc hàn xì, chất thải sau phản ứng này là CaCO3 là một hợp chất cứng như đá vôi. Còn sau sử dụng mà ra bùn đất đèn (CaC2 sludge), nếu độ pH lớn hơn hoặc bằng 12,5 hay nhỏ hơn hoặc bằng 2 thì là chất thải nguy hại”.
Chiều 22-10, trao đổi với đại tá Nguyễn Văn Thảo - trưởng Công an TP Quy Nhơn, ông Thảo cho biết đã cử cảnh sát môi trường đến hiện trường làm việc. “Vụ việc vừa xảy ra sáng nay, chúng tôi đang chờ kết quả phân tích mẫu chất thải đất đèn từ các cơ quan chức năng, sau đó mới có thể đưa ra phương án giải quyết” - ông Thảo nói.
B.TRUNG - TR.ĐĂNG - D.THANH
http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/575978/do-chat-thai-dat-den-len-bai-rac-%C2%A0dan-phan-ung.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét