TT - Ðền thờ Tăng Bạt Hổ ở huyện Hoài Ân, Bình Ðịnh vừa làm lễ đón nhận bằng di tích quốc gia vào ngày 17-9 với rất nhiều quan chức từ trung ương đến địa phương, người dân, học sinh đến dự.
Việc được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia đánh giá cao tầm vóc và cống hiến to lớn của chí sĩ yêu nước Tăng Bạt Hổ, qua đó giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Nhà nghiên cứu văn hóa Đặng Quí Địch chỉ những lỗi sai trên câu liễn - Ảnh: Trường Đăng |
Tuy nhiên, tại đền thờ có đôi câu liễn chữ Hán khảm xà cừ rất trang trọng nhưng bị sai nhiều chữ nghiêm trọng. Ðây là một khiếm khuyết không chấp nhận được, bởi sự ra đời của đôi câu đối nguyên tác là một sự kiện quan trọng trong giới nhân sĩ trí thức Việt Nam thời đầu thế kỷ 20: nhân cái chết của nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ (1858-1906), cụ Phan Châu Trinh (1872-1926) đã làm câu đối này để điếu. Nguyên văn câu đối từng được Huỳnh Thúc Kháng chép trong tập Thi tù tùng thoại (xuất bản năm 1939), phiên âm như sau:
Tạp dư niên sơn hải gian quan, nhân giai bi kỳ ngộ, thiên nhược giám kỳ thành, tam đảo minh tiên, tráng chí cẩn năng thông Thượng quốc;
Trấp thế kỷ phong vân biến huyễn, nhân giai tranh dĩ trí, quân dục cạnh dĩ lực, cửu thu quy kiếm, hùng hồn du tự luyến Thần kinh.
(Huỳnh Thúc Kháng dịch: Ba mươi năm lẻ núi biển trải nhọc nhằn, ai cũng thương cho cảnh ngộ, trời hẳn thấy nhiệt thành, quất ngựa thẳng non thần, tráng chí mới thông miền Thượng quốc; Hai chục kỷ đời, gió mây chiều biến đổi, người đều đua lấy trí, ông muốn đấu bằng sức, quay gươm về nước cũ, hồn thiêng còn mến đất Thần kinh).
Năm 2003, đôi câu đối này được chọn để khắc khảm xà cừ thành đôi liễn trang trọng treo tại đền thờ Tăng Bạt Hổ ở Hoài Ân. Theo thứ tự, vế đầu của câu đối khắc sai tám chữ, theo thứ tự từ trên xuống là các chữ: tạp, quan, giai, thành, minh, tiên, cẩn, thượng; vế sau sai chín chữ: trấp, biến, huyễn, giai, dục, thu, do, luyến, kinh. Tổng cộng cả hai vế sai tới 17 chữ trong tổng số 56 chữ.
Về lỗi sai của các chữ Hán, phần lớn viết sai do không phân biệt chữ đồng âm, ví dụ chữ quan = ải bị viết thành quan = đau bệnh, minh = tiếng kêu viết thành minh = sáng, tiên = roiviết thành tiên = thần tiên. Thậm chí có lỗi sai nghiêm trọng như kinh = kinh đô bị viết thành kinh = kinh điển, thu = mùa thu viết thành thu = thu hoạch...
Có lẽ chính cụ Phan Tây Hồ cũng không ngờ chưa đến trăm năm sau khi mình mất, ngay tại quê hương Tăng Bạt Hổ đã viết sai tác phẩm của mình trầm trọng đến như vậy suốt mười năm. Ðiều đáng nói, nhà nghiên cứu Ðặng Quí Ðịch đã phát hiện những lỗi sai trên đây, và góp ý trong cuốn sách Chuyện cũ kẻ sĩ Bình Ðịnh xuất bản năm 2009. Nhưng cho đến lần tu sửa, nâng cấp vừa rồi với kinh phí hơn 5 tỉ đồng để khánh hạ trong ngày nhận bằng di tích quốc gia, câu liễn sai vẫn không được sửa.
Theo nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh, những lỗi sai này có thể do lúc chuẩn bị chữ Hán để khắc khảm xà cừ, người viết chữ không có trong tay bản nguyên tác chữ Hán để đối chiếu mà chỉ có bản phiên âm quốc ngữ hoặc chỉ nghe đọc âm Hán Việt nên viết ra chữ Hán sai nhiều đến như vậy.
Ngày 21-9, khi đề cập vấn đề này, ông Ðặng Hữu Thọ - giám đốc Ban quản lý di tích Bình Ðịnh - cho biết: "Chúng tôi đã tiếp nhận được ý kiến góp ý về câu liễn ở đền thờ Tăng Bạt Hổ, tuy nhiên cần được xác định chính xác sai như thế nào trước khi sửa chữa. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức mời các cụ giỏi chữ Hán để tham khảo ý kiến".
Tuy nhiên, những lỗi sai trên đây là sai trong quá trình sao chép nhưng thiếu nguyên tác để đối chiếu. Cho nên việc cần làm để sửa là tìm bản nguyên tác chữ Hán câu đối của Phan Châu Trinh (đã in trong Thi tù tùng thoại như dẫn trên) và khắc lại đúng theo đó, chứ không phải kêu gọi các cụ giỏi chữ để bàn định.
TRƯỜNG ĐĂNG - LAM ĐIỀN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét