20:37', 9/9/ 2012 (GMT+7) |
Từng phá rừng, buôn trầm để làm giàu nhưng sau những lần vấp ngã, giật mình nghĩ đến câu nói “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, anh quyết định quay về ươm cây, trồng rừng để trả món nợ gây ra thời trai tráng. Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Văn Tiến, chủ một cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng có tiếng ở huyện Hoài Ân.
Chúng tôi về xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân để nghe câu chuyện của người được ví như “thủ lĩnh ươm, trồng rừng”. Nhìn những mảng rừng xanh phủ kín dần trên những sườn đồi, ai cũng trầm trồ về sự đổi thay. Vùng đất nghèo khó năm xưa, nay đã trở thành vùng trọng điểm trồng rừng nhờ có sự góp công của nhiều người, trong đó có đôi bàn tay của anh Nguyễn Văn Tiến. Ít ai biết rằng, thời còn trẻ, dấu chân anh không sót bất cứ hang cùng ngõ hẻm nào nơi rừng sâu để tìm trầm.
Một thời “ăn của rừng”
Nguyễn Văn Tiến kể, mình sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo, tuổi thơ đầy khó khăn, vất vả. Ba mất sớm, mẹ đau bệnh quanh năm, nhà lại đông anh em, những cơ cực đã nhen nhóm trong tâm trí tôi ý chí tự lập. Nhưng bước đầu lập nghiệp của tôi khi đó là theo lâm tặc phá rừng.
Tốt nghiệp THPT, thay vì làm hồ sơ thi đại học như bạn bè cùng lớp, Nguyễn Văn Tiến đầu quân cho một nhóm đi địu (tìm trầm) mong đổi vận. Vậy là tuổi trẻ chìm luôn dưới tán rừng già, ngược xuôi các tỉnh Tây Nguyên, cho đến Quảng Trị, Cao Bằng, rồi sang tận Lào, Campuchia…
Cuộc chiến của những người đi địu vô vàn nguy hiểm, dấn thân vào chốn rừng thiêng nước độc, sốt rét ác tính, rắn rết cắn, cây đè, thú dữ, lở núi, lũ quét… Nhưng, anh Tiến bảo chuyện này chưa thấm vào đâu so với chuyện luôn phải đối mặt với các băng nhóm tranh giành lãnh địa, cướp “hàng”, khi ấy mạng người mong manh lắm. Anh không nhớ rõ đã bao lần leo đèo, lội suối và bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, cùng máu đã đổ trên những cánh rừng nơi anh đi qua. Anh trầm ngâm kể: “Đận nào trúng trầm thì mấy anh em về sớm, còn không phải đi suốt hai ba tháng liên tục, hết lương thực lại ghé vào các bản làng mua rồi đi tiếp. 10 năm trời đánh vật với rừng, với trầm, tôi chứng kiến nhiều bạn bè gởi xác giữa rừng già!”.
Sau đôi ba lần trúng trầm, tích góp được một số vốn kha khá, anh chuyển sang buôn trầm. Luật bất thành văn trong nghề này là “tiền trao cháo múc”, để trở thành một lái buôn trầm cấp nhỏ trong tay phải luôn có vài trăm triệu đồng, buôn trầm lớn vốn lận lưng có khi lên đến vài chục tỉ đồng. Với ít vốn “lận lưng”, anh Tiến thuê nguyên một đội quân làm tay chân cho mình, rồi chính thức trở thành ông chủ lâm tặc buôn trầm cỡ nhỏ từ đó.
“Buôn trầm là hàng quốc cấm, một vốn mười lời, gặp thời phất lên như diều gặp gió, lỡ bị bắt coi như của đi thay người. Đã có không ít lái buôn sạt nghiệp, vào tù vì trầm”, anh Tiến chia sẻ.
Tận diệt hết cánh rừng này, anh Tiến lại cho quân sang khắp các cánh rừng khác. Anh nhớ lại: “Ngày ấy, tôi như con thú hoang, chỉ cần biết chỗ nào có thể có trầm là lập tức đưa quân lên tìm, kiếm, đốn hạ cây rừng không thương tiếc”.
Mỗi đường dây buôn trầm phải thiết lập cung đường bí mật riêng, luôn luôn nuôi nhiều “đàn em”, trang bị cả máy bộ đàm, xe ô tô, xe máy để hoạt động. Người thì chuyên đi bắt mối từ xa, người thì cắt rừng tạo đường vận chuyển thật an toàn kín đáo bí mật cho đường dây của mình. Kể đến đây, anh Tiến thở dài, chừng như chưa hết nỗi kinh hoàng và ám ảnh của những ngày băng rừng lội suối “lùng” trầm. Ấy là câu chuyện khoảng 2 giờ sáng một đêm tháng 7.1986, anh Tiến cùng anh em gom hàng ở Lào về cách cửa khẩu Lao Bảo (Đông Hà, Quảng Trị) chừng 3km thì bất ngờ từ trong rừng hơn 30 tên thổ phỉ bắn xối xả vào nhóm để cướp hàng. Lần ấy, chuyến hàng lớn gom cả tháng trời, bị cướp mất, tiếc lắm nhưng cũng đành phải bỏ của chạy lấy người. Thế là hơn 1 tỉ đồng mua trầm tan theo mây khói.
“Những lần thấm đòn máu, rồi trắng tay về quê không một xu dính túi. Những tháng ngày dài nằm ở nhà, nghĩ lại một thời “ăn của rừng”, tự mình nhận ra lỗi lầm của mình”, anh tâm sự. Không bao lâu sau, anh Tiến tiếp tục một cuộc hành trình trở lại với rừng, nhưng không phải để phá rừng…
Tay trắng trả nợ rừng
Những cây dó bị hạ xuống để tìm trầm làm ngã biết bao cây xung quanh. Hàng trăm hay hàng nghìn cây, không còn nhớ rõ, nhưng trong giấc ngủ hằng đêm của anh, dó vẫn cứ đổ ầm ào. Bị ám ảnh mãi không dứt, anh nghĩ mình phải làm gì đó để trả nợ rừng.
Tại sao không đem cây dó về trồng? Phải trồng rừng, một ý nghĩ chợt lóe lên! Nhưng tay trắng phải bắt đầu từ đâu? Được các thợ bạn từng một thời theo anh bạt rừng động viên, anh Tiến thuê một mảnh đất, quyết tâm ươm dó, trồng cây tạo trầm. Anh nghĩ: Có thể không đền đắp lại được những gì đã gây ra nhưng đó là cách để phần nào chuộc lỗi với rừng.
Cuối những năm 80, anh bắt đầu cuộc hành trình mới, mày mò nghiên cứu cách ươm, trồng cây dó, keo, bạch đàn. Một lần nữa anh khăn gói vào rừng, không phải để chặt mà là nhổ cây dó con, nhặt hạt về ươm, trồng. Lấy cây mì làm bóng mát, anh trồng chen vào cây dó, nhiều người làm cỏ mì thấy cây lạ cuốc bỏ đi. Việc làm không giống ai, không ai hiểu của anh Tiến ngày đó khiến dân trong làng cho là anh bị ma rừng ám.
Nhưng, sự kiên trì với ý tưởng đem trầm về đồng bằng trồng của anh Tiến cuối cùng cũng có kết quả khi nhiều cây dó đã được ươm, trồng thành công. Nhiều người thấy thế, theo anh mua giống để trồng. Nhiều cây dó con được ươm thành công, anh trở thành người phân phối giống trong huyện, rồi xuất lên các huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định), Kon Chrò (Gia Lai)...
Sau một thời gian chỉ bày cho nhiều người trồng dó, đích thân anh đi mua lại những cây dó từ 5 tuổi trở lên để khoan lỗ tạo trầm. Anh lại đi buôn trầm, nhưng lần này là làm ăn chính đáng ngay trên quê nhà, không lội rừng nguy hiểm lại giúp được nhiều gia đình khấm khá lên từ cây dó.
Năm 1998, Nhà nước có chương trình 327 trồng mới 5 triệu hecta rừng, anh Tiến nhận khoán trồng, chăm sóc khoảng 3 ngàn hecta. Dãy núi 32 Đồi Tranh, xã Ân Nghĩa, chết vì bom đạn, chất độc hóa học trong chiến tranh đã được hồi sinh. Rừng keo bạt ngàn của anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương.
Nhận thấy nhu cầu trồng rừng ở đây rất lớn mà thiếu cây con, anh xin xã cho thuê khu đất trống sau chợ Kim Sơn làm vườn ươm keo. Từ ươm keo hạt anh mò tìm nghiên cứu sách báo, internet chuyển đổi từ keo hạt sang giâm hom keo lai. Vườn ươm của anh Tiến ngày một phát triển, sản xuất keo lai với số lượng lớn, xuất bán cho nhiều đơn vị, bà con trồng rừng trong và ngoài huyện.
Tiếng đồn gần, đồn xa, nhiều công ty, dự án trồng rừng đến đặt hàng. Cây giống của anh được nhiều người trồng rừng ưa thích vì anh luôn tuân thủ các quy trình kỹ thuật khi cắt cành, giâm bầu, công đoạn làm đất che chắn vườn ươm, hệ thống tưới nước phun sương bán tự động, đảm bảo tỉ lệ sống cao.
Hàng năm, cơ sở của anh cung cấp giống cho Công ty Lâm Nghiệp Sông Côn, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Hoài Ân, Dự án hỗ trợ sản xuất 135, Dự án khôi phục quản lý rừng bền vững (KFW6) huyện Hoài Ân, Chi nhánh lâm trường Bồng Lai, tỉnh Quảng Bình… Anh còn tận tình giúp đỡ nhiều gia đình trong huyện kỹ thuật trồng rừng và hỗ trợ cây giống. Thu nhập từ rừng đã làm thay đổi hẳn cuộc sống nhiều người dân ở đây, từ chỗ khó khăn đến thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tham quan vườn ươm của anh, đi trong những luống hom vừa cho vào bầu thẳng tắp, hệ thống tưới nước tự động khắp vườn, những hom keo đâm chồi nảy lộc, chúng tôi không khỏi thán phục ý chí vượt khó vươn lên làm giàu của anh. Ngồi nhìn lại những cánh rừng xanh đến ngút tầm mắt, nơi sâu hút trong những vạt rừng chôn vùi thời tuổi trẻ, anh Tiến chợt rùng mình. Một thời nông nổi đã qua nhưng những căn bệnh của rừng vẫn còn đeo bám, thỉnh thoảng cơn sốt rét ập đến nhắc nhớ lầm lỗi một thời. Những bài học xương máu đã dạy cho anh thấm thía cách đối xử với rừng. Và hàng ngàn hecta rừng được anh nhận trồng, chăm sóc ngày càng xanh ngay trên quê hương. Chia tay anh Nguyễn Văn Tiến giữa vườn ươm keo lai đang hối hả đâm chồi nảy lộc, chúng tôi mang theo tâm sự của anh Tiến “chỉ khi nào giữ được màu xanh cho rừng, tôi mới trả hết được món nợ đã gây ra với rừng”.
|
Trường Đăng
Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015
Trả nợ rừng
Thứ Ba, 28 tháng 7, 2015
Nước cờ sai lầm đẩy TQ phải đối đầu với đối thủ mạnh truyền kiếp?
Lê Ngọc Thống |
Sự nôn nóng cùng dã tâm "nuốt trọn" Biển Đông đã khiến Bắc Kinh mù quáng và vô hình trung tự tay "tháo xích" cho đối thủ truyền kiếp đầy sức mạnh - Nhật Bản.
Luật an ninh mới của Nhật Bản đã chứng tỏ Lực lượng phòng vệ nước này giờ đây có tính chất và tầm vóc của một cường quốc quân sự.
Họ, quân đội Nhật Bản, có thể tác chiến bất cứ nơi đâu, với bất cứ ai khi an ninh của Nhật Bản, của đồng minh, bạn bè của Nhật Bản bị tấn công, đe dọa...
Được coi như một “mũi tên đã lắp vào nỏ” thì Sách trắng quốc phòng Nhật Bản năm 2015 đã chỉ rõ “đích” mà mũi tên hướng đến.
Trung Quốc lo ngại, phản đối quyết liệt khi cho rằng, đây là hành động trỗi dậy của “chủ nghĩa quân phiệt Nhật”. Nhưng ngược lại, khu vực châu Á-Thái Bình Dương lại không có thái độ như vậy với sự trỗi dậy, thay đổi của nước Nhật.
Trong tương lai, quân đội Nhật Bản có thể chủ động tham chiến ở nước ngoài dưới sự ra lệnh từ chính Thủ tướng.
Nước cờ chiến lược sai lầm của Trung Quốc
1. Lấy nước sau dùng làm nước đi đầu, tạo điều kiện cho Nhật Bản trỗi dậy
Kể từ năm 2010, khi GDP của Trung Quốc chính thức vượt Nhật Bản cũng là lúc tranh chấp quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) cũng được Bắc Kinh đẩy lên nấc thang cuối của cuộc xung đột.
Thực ra, quần đảo này, về địa chính trị, quân sự và kinh tế đối với Trung Quốc không đến mức vì nó mà sẵn sàng xung đột, chiến tranh với liên minh hùng mạnh Mỹ-Nhật Bản.
Nhưng chủ nghĩa dân tộc như một con dao 2 lưỡi, quá lạm dụng thì như “cưỡi trên lưng hổ” cho bất cứ chính phủ nào.
Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của nó, vì thế, chuyến “ra khơi” đầu tiên để thâu tóm Biển Đông lại bị “mắc cạn” tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Đây là một sai lầm tai hại của Trung Quốc mà từ đó, làm nên chiến thắng vang dội của đảng Dân chủ Tự do (LPD), đưa ông Shinzo Abe - một người được Mỹ ủng hộ - lên làm Thủ tướng Nhật Bản.
Tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc vô tình thúc đẩy việc "cởi trói" Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News.
Vụ tranh chấp với Bắc Kinh về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vừa qua, Nhật Bản đã rút ra 2 bài học giá trị từ chính Trung Quốc.
Một là, một quốc gia giàu có chỉ là nhất thời, mạnh về quân sự mới là vĩnh viễn. Giàu mà không mạnh thì bị đe dọa hay trấn lột bất cứ lúc nào. Chỉ có sức mạnh quân sự của quốc gia mới bảo đảm tính ổn định, bền vững và phát triển của nền kinh tế.
Hai là, mối hận thù dân tộc của Trung Quốc với Nhật Bản chưa bao giờ mờ phai. Nhật Bản luôn bị Trung Quốc coi là mối "quốc nhục" 100 năm chưa trả hận.
Đảng LPD cầm quyền của ông Shinzo Abe thừa nhận thức sâu sắc 2 bài học này và quyết tâm tái vũ trang, xây dựng một sức mạnh quân sự đủ sức răn đe Trung Quốc, đề phòng liên minh Mỹ-Nhật không có giá trị.
Thực hiện quyết tâm này, về mặt kỹ thuật thì không mấy khó khăn với Nhật Bản khi nước này có một nền công nghiệp tiên tiến hiện đại bậc nhất thế giới.
Tàu ngầm, máy bay, tàu chiến, tên lửa… nói chung là những thứ vũ khí trang bị hiện đại, Nhật Bản muốn là họ tự sản xuất chế tạo.
Tuy nhiên, khó khăn nhất với chính phủ của ông Abe là cơ chế, cụ thể là “điều 9 hiến pháp” đã trói buộc, mà muốn xóa bỏ nó thì tác động của bên ngoài mang yếu tố quyết định.
Trung Quốc đã làm rất tốt vai trò tác động này khi biến mình là nguyên nhân duy nhất, nguy hiểm nhất buộc Nhật Bản phải lựa chọn.
Chỉ chưa đầy 2 năm với từng bước đi cụ thể, chính phủ của ông Shinzo Abe đã có những cách giải thích về “điều 9 Hiến pháp”, tiến tới xóa bỏ bằng Luật an ninh mới.
Không rõ Trung Quốc đi nước cờ sai lầm ở Senkaku/Điếu Ngư hay là Nhật Bản, chỉ biết Mỹ đã lợi dụng Senkaku/Điếu Ngư để “cởi trói” Tokyo, cho phép Nhật Bản tham gia sâu, trực tiếp vào cấu trúc an ninh Tây Thái Bình Dương.
Nhưng, điều mà Trung Quốc không muốn, không bao giờ muốn là đối đầu với Nhật Bản tại Biển Đông bất cứ hình thức nào, thì nó đã và đang đến.
HỘI ĐỒNG QUAN HỆ ĐỐI NGOẠI (CFR), MỸ
SHEILA SMITH
Vấn đề không chỉ nằm ở những tranh chấp lãnh thổ, mà thực chất lý do lớn nhất khiến quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản sẽ khó có thể cải thiện là sự mất lòng tin lẫn nhau, sự ngờ vực của một bên đối với các tham vọng trong khu vực của bên còn lại.
Biển Đông, như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng cảnh báo: "Chỉ cần một hành động thiếu trách nhiệm, gây xung đột sẽ làm gián đoạn dòng hàng hóa khổng lồ này và nhiều nền kinh tế không chỉ trong khu vực mà cả thế giới đều phải gánh chịu hậu quả khôn lường."
Trong khi đó, sự trùng hợp “lạnh sống lưng” giữa Trung Quốc và Nhật Bản là tuyến hàng hải trên Biển Đông đều là “đường sinh mạng”.
Cho nên, dễ hiểu là, Biển Đông chứ không phải là Senkaku/Điếu Ngư mới là "chiến trường chính" của cuộc đối đầu Trung-Nhật vì tính chiến lược sống còn của đôi bên trên đó.
Rõ ràng Trung Quốc đã đi sai nước cờ khi phải đối đầu với một đối thủ mạnh, truyền kiếp quá sớm là Nhật Bản mà nguy cơ “bị loại khỏi vòng bảng” đang ám ảnh bởi “lời nguyền từ Nhật Bản” không phải là điều không thể.
Hạ viện Nhật thông qua dự luật an ninh mới là một thành công lớn của Nội các Thủ tướng Abe (giữa). (Ảnh: AP)
2.Từ bỏ sách lược “giấu mình chờ thời”
Phải khẳng định chắc chắn dã tâm của Bắc Kinh muốn chiếm trọn Biển Đông, biến Biển Đông thành “ao nhà” là trước sau như một, không bao giờ thay đổi, không sớm thì muộn. Vấn đề là từng giai đoạn, bước đi thực hiện chiến lược này ra sao mà thôi.
Chiến lược thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc, đúng ra phải là nước cờ cuối sau khi đã "đuổi" được Mỹ ra khỏi Đông Nam Á và Tây-Thái Bình Dương.
Điều này vốn được thực hiện bằng “cuộc chiến địa chính trị” mà thời gian đầu khi Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược “giấu mình chờ thời” ('Tao guang yang hui' Policy) của ông Đặng Tiểu Bình đã tỏ ra rất hiệu quả.
Đáng tiếc, Trung Quốc bị cái tăng trưởng GDP liên tục làm mờ mắt, ảo tưởng sức mạnh của mình và với truyền thống ngạo mạn, bành trướng, Bắc Kinh cho rằng không cần “giấu mình”, muốn “ăn” ngay Biển Đông béo bở mà bất chấp tất cả.
Hành động của Bắc Kinh trong các tuyên bố chủ quyền phi lý, phi pháp và chuẩn bị quân sự để đe dọa sử dụng sức mạnh… đã bộc lộ mục tiêu, ý đồ nguy hiểm nhất quán của họ.
Động thái này đã khiến các quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Việt Nam, Nhật Bản… và kể cả Mỹ phản kháng với một tinh thần "ngay và luôn".
Như vậy, vội vàng từ bỏ sách lược “giấu mình chờ thời”, Trung Quốc đã phạm sai lầm lớn về xây dựng thế trận.
Thay vì để Biển Đông tạm thời là một vùng đệm chiến lược, mở rộng vòng vây thì Bắc Kinh lại biến nó thành "vùng nóng", có thể trở thành vùng chiến sự bất cứ lúc nào.
Chính Trung Quốc tự thu hẹp không gian chiến lược của mình.
Nhật Bản có khả năng sát cánh bên Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương trong vai trò một cường quốc quân sự. Điều này đủ khiến Trung Quốc lo sợ? (Ảnh minh họa)
Tại sao Trung Quốc phản đối quyết liệt Nhật Bản tuần tra trên Biển Đông?
Thực ra, việc tuần tra trên biển, đại dương đề bảo đảm an toàn, an ninh hàng hải là vấn đề thường xuyên, không có gì ghê gớm của các cường quốc biển như Mỹ. Và tuần tra trên Biển Đông - một tuyến hàng hải rất quan trọng của thế giới - cũng không ngoại lệ.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại ngang nhiên tuyên bố Biển Đông là chủ quyền của họ nên không ai được quyền đưa máy bay, tàu chiến vào vùng này.
Hành động “tuần tra” trên vùng biển mà Trung Quốc gọi là “chủ quyền” bị Bắc Kinh "bóp méo" là thách thức, tuyên chiến.
Đó là lý do vì sao Trung Quốc và Mỹ trở nên căng thẳng quyết liệt đến mức mà báo chí Trung Quốc cho rằng “chiến tranh với Mỹ là không thể tránh khỏi…” khi Mỹ đem máy bay, tàu chiến tuần tra trên Biển Đông.
Và đến khi cả Nhật Bản tuyên bố sẽ “tuần tra” trên Biển Đông với sự hậu thuẫn của Philipines khi dùng căn cứ Rubic tiếp tế hậu cần cho Hải quân Nhật Bản thì Trung Quốc "giãy lên như đỉa phải vôi".
Như vậy, khi Mỹ-Nhật Bản bắt tay "tuần tra" trên Biển Đông thì cán cân so sánh lực lượng ở khu vực Tây Thái Bình Dương mà cụ thể là trên biển Hoa Đông và Biển Đông đã hoàn toàn nghiêng về Mỹ bởiNhật Bản tham gia vào thế trận với tư cách của một cường quốc kinh tế và quân sự.
Không hồ nghi gì nữa, Tokyo đã sẵn sàng cùng Mỹ tham chiến tại Biển Đông nếu như Trung Quốc có ý đồ chiếm Biển Đông, biến thành “ao nhà”, tức là ngăn chặn, phong tỏa tuyến hàng hải sống còn của Nhật Bản trên vùng biển quốc tế này và đe dọa an ninh Mỹ…
Trước việc “tuần tra” của Mỹ và Nhật Bản trên Biển Đông, Trung Quốc chỉ có thể hoặc là bằng vũ lực, xua đuổi hay đánh đuổi lực lượng tuần tra của Mỹ-Nhật Bản ra khỏi Biển Đông hoặc là tôn trọng luật chơi chung.
Vậy, Trung Quốc chọn lựa thế nào đây?
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả Lê Ngọc Thống, Kỹ sư chỉ huy-Hoa tiêu, nguyên sỹ quan Tham mưu Hải quân.
Chủ Nhật, 12 tháng 7, 2015
Chấm thi: Không để tình trạng nơi này nghiêm túc, nơi khác lỏng lẻo
http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/cham-thi-khong-de-tinh-trang-noi-nay-nghiem-tuc-noi-khac-long-leo-1105340-c.html
1 / 3
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga kiểm tra công tác chấm thi ở các tỉnh Nam Trung bộ
GD&TĐ - Đây là chỉ đạo của Thứ trưởng Bùi Văn Ga khi dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chấm thi THPT quốc gia ở các tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam từ ngày 9/7/2015.
Chúng ta đã tổ chức được kỳ thi an toàn và nghiêm túc. Giờ đây, các cụm thi cần quán triệt tinh thần chấm thi khách quan, công bằng theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT để đảm bảo độ tin cậy của kết quả thi, tạo niềm tin trong nhân dân về đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh cao đẳng, đại học
Thứ trưởng Bùi Văn Ga
Phú Yên: Ngày 11/7 tổ chức chấm thi
Đây là cụm thi chỉ dành cho thí sinh dự thi tốt nghiệp, năm 2015 có 2.088 thí sinh dự thi môn Toán, 1.712 thí sinh thi Ngoại ngữ, 2.081 thí sinh thi Ngữ văn, 312 thí sinh thi Vật lí, 849 thí sinh thi Địa lí, 515 thí sinh thi Hoá học, 102 thí sinh thi Lịch sử và 641 thí sinh thi Sinh học.Theo kế hoạch, ngày 11/7 cụm thi Phú Yên tổ chức chấm. Nhưng ngay khi thi xong, Hội đồng thi đã tích cực chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để tổ chức chấm bài một cách tốt nhất. Khu vực chấm bài đã được bảo vệ đảm bảo an toàn và đáp ứng yêu cầu bảo mật, các trang thiết bị được triển khai đầy đủ theo qui định, các công việc chuyên môn đang tiến hành khẩn trương.
Tại đây, sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã phân tích tình hình, quán triệt toàn thể lãnh đạo Hội đồng về các yêu cầu của công việc chấm thi.
Bình Định: Dự kiến ngày 20/7 kết thúc công tác nhập điểm
Bình Định là cụm thi THPT quốc gia liên tỉnh số 28 do Trường ĐH Quy Nhơn chủ trì và cụm thi địa phương số 037 do Sở GD&ĐT Bình Định chủ trì.
Theo báo cáo nhanh của Trường ĐH Quy Nhơn và Sở GD&ĐT Bình Định, cụm thi số 28 có 29.503 thí sinh của hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi đăng ký dự thi; cụm thi 037 có 4.024 thí sinh dự thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Tiến độ chấm thi đến sáng 10/7 ở cụm thi số 28 đạt gần 50% khối lượng công việc. Tính đến hết ngày 9/7, Trường ĐH Quy Nhơn đã giao 1.120/2.228 túi cho giám khảo và đã chấm xong vòng hai 600 túi. Dự kiến ngày 16/7 giám khảo chấm điểm xong, công tác nhập điểm kết thúc vào ngày 20/7.
Riêng cụm thi địa phương (037), giám khảo cơ bản đã hoàn thành công việc chấm chi trong ngày 10/7.
Tại đây, Thứ trưởng đã nghe báo cáo và ghi nhận đánh giá của PGS.TS Nguyễn Hồng Anh – Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, chủ tịch hội đồng coi thi và chấm thi: “Kỳ thi THPT quốc gia diễn ra hết sức khách quan, an toàn, nghiêm túc. Công việc chấm thi rất nhiều thao tác chuyên môn và liên quan đến nhiều khâu liên đới nhưng trường đã quán triệt quy chế một cách chặt chẽ, động viên các cán bộ và nhân viên nỗ lực làm việc, thậm chí làm cả ngày lẫn đêm để đảm bảo tiến độ. Việc chấm thi cũng thực hiện đúng qui chế, cẩn thận, tránh sai sót và hạn chế tình trạng phúc khảo sau này”.
Để hoàn thành công việc chấm thi, Trường đã huy động cả giám khảo của tỉnh Bình Định và tỉnh Quảng Ngãi tham gia. Theo đánh giá của giám khảo, đa số bài làm của thí sinh khá tốt, thể hiện sự phân hóa khá rõ rệt, hiện tượng điểm liệt (chủ yếu điểm bài luận của môn Ngoại ngữ) cũng có xuất hiện ở mỗi túi bài.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá Bình Định là một trong những điểm thi có tỉ lệ dự thi cao của cả nước nhưng công tác tổ chức thi an toàn, nghiêm túc. Đó là nhờ tinh thần trách nhiệm cao của các ngành các cấp thuộc địa phương, thể hiện sự quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức kỳ thi.
Ở điểm thi địa phương (chỉ thi xét tốt nghiệp THPT), một số giám khảo cho biết: Điểm thi của thí sinh có sự phân hóa rõ ràng nhờ đáp án và hướng dẫn chấm khá cụ thể, chi tiết, có dành tỉ lệ điểm hợp lý khuyến khích sự sáng tạo của học sinh.
Trong quá trình chấm bài, các giám khảo rất tâm đắc với đề thi và đáp án, bởi đề và đáp án vừa đảm bảo yêu cầu cơ bản, vừa đảm bảo tính phân hoá - điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Hơn nữa, yêu cầu của đề và đáp án khá mở cho thí sinh đạt điểm trung bình nhưng để đạt được điểm cao thì học sinh phải thể hiện năng lực thực sự, không thể học tủ hay học vẹt, không thể chủ quan hoặc quay cóp mà có điểm được.
Qua quá trình chấm, các giám khảo cũng đánh giá công tác coi thi rất nghiêm túc thể hiện qua bài làm của thí sinh; đồng thời, thí sinh cũng thể hiện rất rõ sự cố gắng nỗ lực của bản thân khi làm bài.
Quảng Ngãi: Dự kiến 12/7 hoàn thành chấm bài thi tự luận
Đây cũng là điểm thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, có 5.033 thí sinh dự thi môn Toán, 3.761 thí sinh thi Ngoại ngữ, 5.031 thí sinh thi Ngữ văn, 844 thí sinh thi Vật lí, 3.323 thí sinh thi Địa lí, 801 thí sinh thi Hoá học, 546 thí sinh thi Lịch sử, 722 thí sinh thi Sinh học. Hội đồng thi đã khẩn trương làm việc ngay từ ngày 5/7.
Đối với các bài thi trắc nghiệm, đến ngày 9/7 đã hoàn thành việc quét và 2 lần gửi dữ liệu về Bộ; các bài thi tự luận dự kiến đến 12/7 sẽ cơ bản hoàn thành việc chấm.
Quảng Nam: Dự kiến 16/7 hoàn thành công tác chấm thi
Quảng Nam là cụm thi số 31, có số thí sinh đăng kí ban đầu là 5.019, số đến dự thi môn Toán đạt 99,3%, môn Ngoại ngữ đạt 99,52%, môn Ngữ văn đạt 99,3%, môn Vật lí đạt 98,5%, môn Địa lí đạt 99,3%, môn Hoá học đạt 97,9%, môn Lịch sử đạt 99,1%, môn Sinh học đạt 98,94%.
Trong không khí làm việc khẩn trương và cẩn trọng của toàn thể Hội đồng, ông Hà Thanh Quốc - Chủ tịch Hội đồng chấm thi - cho biết: Việc chấm thi ở đây đang được triển khai nghiêm túc, đúng qui chế và dự kiến đến 16/7 công việc chấm thi sẽ hoàn thành.
Các tỉnh khu vực miền Trung có những huyện xã miền núi rất khó khăn; tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể và việc chuẩn bị kế hoạch chu đáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, sự phối hợp nhịp nhàng của các trường Đại học, tỉ lệ dự thi của thí sinh ở các cụm thi đều trên 99%. Công tác tổ chức thi an toàn, nghiêm túc.
Không để tình trạng nơi này nghiêm túc, nơi khác lỏng lẻo
Thay mặt Lãnh đạo Bộ GD&ĐT và Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cảm ơn lãnh đạo các địa phương, các Sở GD&ĐT và các trường Đại học về sự đồng thuận và tinh thần trách nhiệm cao, góp phần thực hiện thành công kỳ thi.Theo nhận xét ban đầu của đoàn kiểm tra, công tác chấm thi ở cả cụm thi do trường đại học chủ trì hay cụm thi do địa phương chủ trì đều rất nghiêm túc.
Các trường đại học được Bộ phân công phối hợp với địa phương đã thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của mình trong công tác coi thi cũng như công tác chấm thi đang tiến hành. Do đó sẽ không xảy ra việc địa phương này, địa phương kia vì bệnh thành tích mà nới lỏng yêu cầu.
Đánh giá về công tác coi và chấm thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh: “Chúng ta đừng bận tâm về thành tích, tỉ lệ đậu thấp hay cao. Không để tình trạng nơi này nghiêm túc mà nơi khác lỏng lẻo. Năm nay quán triệt tinh thần của Bộ là chấm thi khách quan, nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất năng lực và trình độ của thí sinh.
Có như vậy thì chúng ta mới biết được học sinh mạnh yếu ở chỗ nào để điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo cho phù hợp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Mặt khác năm nay là năm đầu tiên chúng ta tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục đích thì sự công bằng, khách quan rất quan trọng để tạo niềm tin cho xã hội và cho các trường ĐH, CĐ dựa vào đó làm công tác tuyển sinh”.
Chứng kiến hoạt động điều hành và triển khai công việc chấm thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc của các địa phương, các trường đại học trong công tác tổ chức quá trình coi thi và chấm thi; đồng thời quán triệt:
“Tôi rất xúc động khi chứng kiến những nghĩa cử cao đẹp của nhân dân các địa phương hỗ trợ cho thí sinh đến dự thi. Để không phụ lòng với nhân dân cả nước, chúng ta phải làm việc hết sức nghiêm túc, phân minh tạo sự công bằng, thước đo chung đánh giá chất lượng giáo dục.
Chúng ta đã làm tốt khâu tổ chức thi, nếu khâu chấm thi làm không tốt thì kết quả kỳ thi không khách quan, ảnh hưởng niềm tin của nhân dân. Khi niềm tin bị ảnh hưởng thì năm sau sẽ rất khó làm, khó tìm được sự đồng thuận của xã hội để thực hiện đổi mới kỳ thi nói riêng và đổi mới giáo dục đào tạo nói chung”.
Có kết quả hôm nay là do sự nhận thức đúng đắn của các ngành, các cấp, các cơ sở giáo dục,… từ đó đã có những tham mưu đầy đủ và chu đáo đối với các cấp lãnh đạo, tranh thủ được sự đồng thuận và sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng xã hội và toàn thể nhân dân; đồng thời đã triển khai công việc với ý chí và quyết tâm cao độ, với nỗ lực cao nhất nhằm thực hiện đồng bộ tất cả các khâu trong quá trình tổ chức coi thi và chấm thi.
Thiên An - Trường Đăng
Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014
Chiều đông không em
Góc phố
chiều đầu đông. Cơn mưa e ấp giăng trên lối phố cũ mèm bước chân. Con phố quen,
con phố cũ xưa, con phố gót chân quen từng viên sỏi… Vậy mà chiều nay thấy lạ.
Lạ trên từng gương mặt, từng dòng người đi vội về nơi cuối đường.
Đôi tình
nhân khép nép trong chiếc ô chập rãi đếm từng giọt mưa vô tâm gõ lên cuộc tình để
góp nhặt kỷ niệm. Họ thẹn thùng cười, nắm tay đi qua góc phố. Ta tìm thấy chút
quen trong ký ức.
Ngày ấy.
Anh và em thường lang thang trên con phố với tất cả niềm rạo rực của tuổi đôi
mươi. Em dung giăng cho giọt mưa hôn lên đôi bàn tay nắm chặt. Em nói hạt mưa từ
trên cao gian nan suốt chặng đường dài để may mắn chứng kiến tình yêu của đôi
trai gái giữa cõi trần. Em bình yên nép về phía cánh tay đầy hơi ấm mơ về một con
đường xa có nhau.
Tôi vô
tâm giẫm lên chiếc lá rơi nhẹ nhàng lên lối đi. Tôi chỉ biết chiếc lá làm cho buổi
chiều thu thêm lãng mạn, con đường có lá thu rơi. Em lại suy tư. Lá rụng vì muốn
xa cành hay vì cành không muốn giữ lá? Nếu một ngày nào đó tình ta rơi như chiếc
lá thu…
Chiều
nay, một mình ta ngồi nhìn phố qua giăng giăng mưa lên lối cũ. Phố vắng em, con
đường lạnh buốt. Em mong manh, hun hút. Ta lang
thang trên triền kỷ niệm. Tìm em, tìm đôi bàn tay ấm. Đông về, chiếc lá ướt sũng
miền ký ức. Ta cuối xuống nhặt cuộc tình vương trong cơn mưa rồi tự nhủ lòng: “Mùa
thu cây cầu đã gãy…”
Con phố
chiều nay vắng vẻ vì trong dòng người cuồn cuộn đi về không có em. Anh chỉ có một
mùa thu để cho con phố quen.
Nơi ấy có còn em?
Lướt web tình cờ thấy bài viết của mình trên blog của niềm yêu thương. Một lần nữa
ngày ấy lại hiện về qua nhịp cầu của em, những ngày SV đầy ắp …
Hơn 10 năm rồi nhỉ. Ai biết thời gian trôi như thế nào! Có thể như cơn lốc cuốn cuộc
đời trôi đi và vùi chôn tất cả.
Nhưng
con người hình như không bao giờ khuất phục nên đã trang bị cho mình một trái
tim yêu thương. Lặng lẽ, ẩn giấu rồi vỡ òa đề phải ngỡ ngàng…
Cách đây vài hôm, ngày 28/12, là ngày rất nhớ của Văn K16. Ngày học cuối cùng:
28/12/1996. Ngày ấy, thầy Mai Xuân Miên đã lảng tránh tránh nhiệm của lý trí để
sồng bằng con tim, bằng cảm xúc học trò của mình. Những giây phút tưởng chừng
không bao giờ quên. Ấy vậy mà cách đây vài hôm chính mình đã quên! Nói như ông
giáo trong Lão Hạc, rồi có lúc mình không giữ được gì mình muốn nữa rồi.
Em
là sợi dây mỏng mảnh nhưng đầy ma lực nối hai miền quên - nhớ. Người ta quên bởi
có lý do là không có gì để nhớ; tôi thì không. Tôi có em.
Một buổi chiều mưa vùng đất quê vàng úng những chiếc lá xanh. Tịnh mịch, xa xăm,
nhiều sự yên lặng của một tâm hồn. Chút khói chiều bãng lãng mơ màng dẫn lối
trong tiếng mơ hồ. Chiều ấy Hà thành cô quạnh; đất quê lạc lõng. Giữa sự đời, những
nỗi niềm hay bám víu, nương tựa.
Tôi
lần theo em tìm lại được tôi hơn 10 năm về trước. Hồn nhiên trong bọc tuổi trẻ,
tuổi SV trong sáng đến lạ kỳ. Đã có lần tôi ghi lên tập ngôn ngữ: Quí tộc Nga thế kỷ XIX để chán nản cái
chuỗi ngày dai dẳng đến tận 4 năm, mong ra đời mà bương chải, mà làm ăn. Hai tiếng
làm ăn đầy tự hào và kiêu hãnh. Thầy N. Q. Cương, một giảng viên văn khoa chứa
đầy máu kinh doanh có lần nhắc nhở: Những điều tôi phải dạy đều có trong giáo
trình, còn những điều tôi nói thì không… Đó là những câu chuyện làm ăn, kinh
doanh và bương chải. Nghe như vịt nghe sấm nhưng cơ ngơi của thầy đã là một thần
tượng cho lũ SV nghèo khao khát.
Ra đời. Xin chỗ nào cũng nhận. Làm báo, tỉnh đoàn, trường chính trị… chỗ nào tương
lai cũng hậu hĩnh. Tôi lại chọn nghề giáo! Nhớ thầy Miên: Ông ra đó chỉ làm ông
giáo làng mà thôi.
10 năm, tôi làm ông giáo làng trong bốn lũy tre chắc chắn. Kiến thức cũ mòn, đối
tượng giao tiệp lại học mình, ra đường nghe ai cũng gọi “ông thầy” đầy kiêu ngạo,
rồi lương còm cõi hao hụt… làm tôi, không biết tự bao giờ đã là ông giáo làng: ngu ngơ như ếch ngồi đáy
giếng, và tệ hơn là chẳng biết mình ngu ngơ. Cố bương ra ngoài bằng nhiều nghề:
Làm báo, kinh doanh, trang trại… để có cơ hội giao tiếp với đời, chạy theo hụt
hơi mong thấy được nhịp của xã hội. Nhưng nhuễ nhoại. Tôi bị vùi chôn dưới lớp
bụi thời gian. Vùng vẫy, kêu la đến khản lời. Rồi xung quanh tôi, trong kiếp
nghèo về tiền bạc, hèn về quyền lực, còn vô số kiếp đang say sưa, cặm cụi…
Và,
cho đến một ngày có em.
Cái quá khứ thức dậy để con người khao khát, thèm muốn những gì
ngày xưa mong muốn. Sức trẻ trỗi dậy như hòn than lâu ngày bọc trong tro bụi giờ
được khơi bùng. Tôi ngoi lên đống bụi để được hít thở, được tham vọng.
Tôi thấy yêu hơn cõi đời. Bởi, trong cõi đời còn có cuộc đời. Trong tiếng van nài của cơm - áo – gạo – tiền tôi thấy thằng tôi cũng còn chút đáng sống của
cái gọi là giá trị nhân văn.
Tôi nhắn tin cho bạn bè, cho thầy Miên về cái ngày 28/12 đáng nhớ; tôi làm blog trưng bày những kỷ niệm đẹp; tôi cố giữ
liên lạc với em, với cuộc đời. Bởi không có niềm tin nào (cho dù là Chúa) tuyệt
đối bằng sự trung thành của kỷ niệm.
Niềm tin ấy làm tôi trong sáng!
Thứ Hai, 15 tháng 9, 2014
Trao học bổng Tiếp sức nhà nông
TTO - Ngày 14-9, lễ trao học bổng Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” được tổ chức tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.
Đại diện Sở GD-ĐT Bình Định trao học bổng “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” - Ảnh: Trường Đăng |
Ngày 14-9, lễ trao học bổng Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” được tổ chức tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định dành cho 44 học sinh là con của 60 hộ nông dân của thị xã An Nhơn và huyện Phù Cát.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Vì ngày mai phát triển” do báo Tuổi Trẻ thực hiện và sự tài trợ của Công ty cổ phần GrreenFeed.
Lễ trao học bổng lần này là giai đoạn 2 của chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” tại Bình Định được triển khai từ tháng 3-2013.
Với thời gian hỗ trợ vốn trong hai năm (2013-2015), chương trình đã dành 720 triệu đồng trợ vốn cho 60 hộ nông dân Bình Định. Bên cạnh đó, chương trình còn hỗ trợ thức ăn gia súc, gia cầm GreenFeed cho mỗi hộ trị giá 2 triệu đồng/hộ.
Tại lễ trao học bổng lần này, chương trình đã dành 45,5 triệu đồng trao tặng học bổng cho 44 học sinh là con 60 hộ nông dân có kết quả học tập đạt loại khá giỏi, đậu đại học năm 2014.
Cũng tại buổi lễ, nhiều nông dân đưa con đến dự và nhận học bổng đã bày tỏ phấn khởi bởi sau hơn một năm mỗi hộ được vay vốn 12 triệu đồng, bà con làm ăn, chăn nuôi heo, gà vịt đã thu lợi và tăng thu nhập gia đình, đời sống trở nên ổn định, khấm khá, yên tâm cho con đến trường.
Chị Đỗ Thị Hải (49 tuổi), quê ở Cát Tường, huyện Phù Cát cho biết, tài sản chỉ có 4 sào ruộng canh tác hai vụ trong năm vẫn không đủ đắp đổi qua ngày, chị được chương trình cho vay vốn mua bò giống và đàn vịt hơn 300 con, sau một năm chị đã có lãi hơn 30 triệu đồng.
“Nhà có hai con hiện đang học lớp 7 và lớp 11. Nếu không có chương trình này hỗ trợ thì vợ chồng tui không dám nghĩ con mình được tiếp tục đến trường. Trước đây, ngày tết cũng không có đủ tiền mua cho con chiếc áo mới, đôi dép mới, thì làm sao dám nghĩ chuyện cho con tiếp tục đi học. Bây giờ, kinh tế tạm ổn, ráng nuôi các cháu ăn học thành tài, may ra đời nó khá hơn”- chị Hải nói.
Nhờ chương trình tiếp sức nhà nông hỗ trợ, nhiều phụ huynh đã có thể cho các con tiếp tục đến trường - Ảnh: Trường Đăng |
Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bình Định Lê Thị Kim Mai cho biết các ban ngành, đoàn thể trong tỉnh rất quan tâm chương trình này.
“Các hộ nông dân được vay vốn đợt 1 đã có 45 hộ thoát nghèo, và kết quả ban đầu của giai đoạn 2 rất khả quan. Chương trình mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, vì không chỉ giúp bà con nông dân thoát nghèo mà còn giúp con cái của bà con nông dân tiếp tục có điều kiện ăn học nên người” - bà Mai nói.
Chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” giai đoạn 2 (2013-2015) do báo Tuổi Trẻ tổ chức và công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam tài trợ tiếp tục triển khai tại 4 tỉnh Bình Định, Hưng Yên, Đồng Nai và Long An với số vốn tài trợ 3,3 tỉ đồng hỗ trợ cho 240 hộ nông dân chí thú vượt khó làm ăn, nuôi con học giỏi.http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20140915/trao-hoc-bong-cho-44-hoc-sinh-455-trieu-dong/645928.html
Thứ Sáu, 5 tháng 9, 2014
Sống ở xóm nhà rầm
Thứ Sáu, 05/09/2014, 21:46 (GMT+7)
Xóm nhà rầm ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn có khoảng 400 căn hộ, có nhà chỉ rộng chừng 20 m2. Bấp bênh, tạm bợ, lắm nỗi lo toan là chân dung cuộc sống nơi đây.
Anh Lê Bảy sinh sống bằng nghề đánh bắt gần bờ trên chiếc ghe nhỏ. Gắn bó với xóm nhà rầm đã 28 năm, chứng kiến nhiều lần hỏa hoạn và chạy bão, anh rùng mình: “Sống ở đây lúc nào cũng thấp thỏm, sợ nhất là hỏa hoạn. Mỗi lần nghe tiếng còi xe cứu hỏa là tim đập loạn xạ rồi”.
|
Hàng ngày, người phụ nữ này vẫn ngồi ẵm cháu ngoại chơi, cho ăn, cả tắm rửa ngay cửa nhà. Phía dưới là lớp bao bì, rác dày đặc trên mặt nước đen ngòm. Bà cho biết: “Giá nhà cho thuê ở đây có 200 ngàn đồng/tháng. Gia đình tôi là công nhân, đến đây thuê để tiết kiệm chi phí”.
|
Những con đường hẻm lót bằng ván rệu rạo mỗi khi có người bước đi mạnh. Những trụ gỗ chống đỡ xiêu vẹo, thấm mục đang cố giữ những căn nhà bằng gỗ của những hộ gia đình nghèo. Mỗi buổi chiều, trẻ con tập trung ra chơi dọc con hẻm chứa đầy những lỗ mục đang rình rập chúng. Không có nhà vệ sinh, không có thùng rác nên hầu hết rác thải ở khu này đều được vứt xuống mặt nước dưới sàn nhà.
Dưới từng lớp nền ván mục là cạm bẫy, treo lơ lửng trên đầu lại là những khối gỗ mục, tôn hư luôn chực rơi bất cứ lúc nào.
|
Bấp bênh, tạm bợ, lắm nỗi lo toan là chân dung cuộc sống nơi đây.
|
Chống đỡ cả xóm nhà rầm là những trụ bê tông, trụ gỗ đã cũ mục. Ở dưới là môi trường lý tưởng của chuột, gián và bao nhiêu loại côn trùng khác sinh sôi nhờ thức ăn của các chủ nhân những căn bếp ở trên đổ xuống. Ảnh: HOA KHÁ
|
Trẻ con xóm nhà rầm hàng ngày nô đùa, tò mò với những mối nguy hiểm mà chúng không hề biết đến. Nhiều người cho biết, trẻ con lọt xuống lỗ là chuyện thường ngày.
|
Họ ước mong một cuộc sống khác cho thế hệ con cái của mình.
- Trong ảnh: Chị Lê Thị Lý, quê Quảng Nam, lấy chồng về đây sinh sống. Vợ chồng chị có 3 con, nhưng nghề nghiệp của họ không ổn định, thu nhập thấp. “Gia đình phải chạy ăn từng bữa nên chuyện mơ một căn nhà ngoài khu nhà rầm là ngoài tầm tay của tôi”, chị Lý nói.
|
Ô nhiễm và nguy cơ cháy nổ là nỗi ám ảnh của xóm nhà rầm, bởi chất liệu chủ yếu làm nên xóm này là gỗ ván, bìa carton và bạt che. Nơi này từng 3 lần bị hỏa hoạn lớn: năm 1973, 1993, 1998 làm cho nhiều người điêu đứng, trong đó vụ cháy năm 1998 đã biến 120 căn nhà thành tro bụi. Lại nữa, mỗi khi trời mưa hay bão lớn, tính mạng của người dân như treo trên sợi tóc.
TRƯỜNG ĐĂNG
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)