http://thethao.tuoitre.vn/tin/2014/08/05/cac-mon-khac/co-duyen-voi-vo-viet/54832.html
THỨ 3, 05/08/2014 13:26:15 (GMT+7)
Nhiều đoàn võ thuật với nhiều môn phái khác nhau thuộc 24 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Bình Định để hội tụ trong Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần V – Bình Định 2014. Mỗi đoàn, mỗi cá nhân ở nhiều nơi trên thế giới nhưng họ cùng có một điểm chung là luyện tập võ Việt như một sự lựa chọn môn phái mình chiêm bái và mỗi người có một cơ duyên để hội ngộ và tỏa sáng cùng võ Việt .
Nhiều môn phái võ cũng coi đây là nơi để tham dự và quảng bá nét đặc trưng của họ với các trường phái võ trên thế giới.
Gắn bó với liên hoan võ
Liên hoan Quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam tại Bình Định lần thứ I (2006) chỉ có 30 đoàn quốc tế (21 quốc gia, vùng lãnh thổ) cùng 29 đoàn trong nước tham dự. Nhưng đến nay đã có 60 đoàn quốc tế của 26 võ phái thuộc 24 quốc gia, vùng lãnh thổ về tham dự. Qua 5 kỳ tổ chức liên hoan võ, Bình Định là chiếc nôi cho võ Việt trên khắp mọi nơi trên thế giới về hội ngộ và bái tổ.
Các môn phái võ cổ truyền Việt Nam theo những người con Việt đi khắp nơi và chiêu mộ được nhiều võ sinh để đào tạo, huấn luyện thành những võ sư, võ sĩ, thành các chưởng môn phái. Truyền bá rộng rãi võ thuật Việt cũng là truyền bá văn hóa truyền thống, chính cái đẹp, cái hay của võ cổ truyền đã chiêu mộ được nhiều võ sinh nước ngoài đến học.
Võ sư Matt Tambi, một người Pháp gốc Việt, chưởng môn phái Thần long thiên đại hổ (Pháp) cho biết: “Tôi lớn lên trong một gia đình mang đậm văn hóa Việt ở đất Pháp. Cha tôi đã dạy tôi rất nhiều về văn hóa Việt và võ Việt nên thế hệ tôi và con tôi phải có trách nhiệm giữ lại nét đẹp truyền thống này”. Matt Tambi, chưởng môn phái Thần long thiên đại hổ ở Pháp và Âu châu đã thu hút trên 2.000 võ sinh luyện tập môn phái của mình, kế tục sự nghiệp của cha là George Tambi, một võ sư rất nổi tiếng.
Hiện Gia đình có truyền thống võ thuật này vẫn hằng ngày luyện tập, huấn luyện võ Việt và nói tiếng Việt rất sành sỏi, kể cả những câu thành ngữ, khẩu ngữ... “Lúc nhỏ cha tôi dạy cho tôi cả chữ Hán để đọc và hiểu bài thiệu về võ. Các bài thiệu viết bằng thơ rất ý nghĩa và được xem như là võ kinh để từ đó hiểu hơn võ đạo, võ lễ”, võ sư Matt tâm sự.
Chị Nikokosheva Natalia (Nga) đã hai lần đến với Liên hoan võ với một cơ duyên khác. Ở Nga, do học trường Quan hệ Quốc tế Matxcova nên chị được học tiếng Việt, học về văn hóa và lịch sử tiếng Việt. Ngay trên ghế nhà trường chị đã thấm văn hóa Việt, chị học về Quang Trung, một trong người đứng đầu phong trào khởi nghĩa Tây Sơn lừng lẫy của VN.
Dù thích học võ Sambo-môn võ thể thao và tự vệ hiện đại được truyền bá tại Liên Xô cũ nhưng khi gặp võ sư Hồ Hoa Huệ, chưởng môn môn phái Tinh Võ Đạo Việt Nam, chị lập tức yêu mến và theo học võ của môn phái này. “Đây là môn võ mềm dẻo nhưng hiệu quả cao, tốt cho sức khỏe và hợp với phụ nữ nên tôi rất thích”, chị Natalia tâm sự.
Học võ Việt, có cơ duyên với Việt Nam, chị đến Việt Nam làm việc và theo đuổi luyện tập môn võ này. Nhờ tham gia liên hoan võ lần thứ 3, chị đến với Bình Định và được tận mắt nhìn mô hình, hiện vật và tượng đài vua Quang Trung ở Bảo tàng Quang Trung: “Hầu hết những võ sinh đến Việt Nam đều thích võ Việt rồi, liên hoan võ là cơ hội để họ về với môn tổ của mình. Nhờ liên hoan này mà tôi được tận mắt nhìn thấy câu chuyện tôi học từ thời trẻ”.
Võ sư Ruggero Biondo (Ý) 36 tuổi, người đã có 21 năm học võ Việt Sa Long Cương ở Ý. “Tôi thích môn võ này vì những đường đấu của nó có tính thực tế và có thể áp dụng vào cuộc sống. Tôi hân hạnh được một thầy người Việt rất giỏi dạy cho tôi để giờ được hội ngộ về đây”.
Cuộc hội ngộ lớn
Nét mới trong liên hoan võ lần thứ V là sự hiện diện của ba môn phái Sumo, Karatedo và Battoudo (kiếm đạo) của Nhật Bản. Lần đầu tiên đến với liên hoan võ nên các võ sĩ này cũng ngỡ ngàng về quy mô tổ chức, sự hội tụ các môn phái võ. Họ cũng rất lạ vì người dân ở Bình Định rất hào hứng và cổ vũ cuồng nhiệt mỗi khi họ ra đường hay lên sàn diễn.
Võ sư Sumo Yoshimi Maeda, trưởng đoàn Sumo đến từ Nhật tâm sự: “Tôi thực sự bất ngờ vì tình cảm của người Việt Nam đối với Sumo, tôi nghĩ mình phải giải thích môn võ của mình cho mọi người thì mọi người đã hiểu và yêu mến chúng tôi”.
Khán giả không những mến mộ những võ sĩ Sumo mà còn thể hiện tình yêu và sự mến mộ của mình với môn kiếm đạo. Theo quan niệm của người Nhật, bốnhòn đảo lớn đất nước Nhật hình thành từ bốn giọt nước rơi xuống từ thanh kiếm thần khi một vị thần nhấc thanh kiếm san hô lên. Các võ sĩ samurai luôn sẵn sàng hy sinh bởi một từ: danh dự.
Võ sư bậc thầy môn Battoudo Lee Murayyama cho biết: “Khi nước Nhật còn chiến tranh, người Nhật dùng kiếm để chiến đấu, khi hòa bình thì kiếm trở thành vật tâm linh. Trong quan niệm của họ, kiếm mang lại hòa bình nên đã có hòa bình thì không sử dụng kiếm. Nhờ sự giao lưu lần này, chúng tôi biết rõ hơn về Việt Nam về mối quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản”. Mang đến Bình Định không chỉ là võ thuật, các môn phái Nhật còn mang theo tình hữu nghị giữa Bình Định và Osaka qua Hội Hữu nghị Việt - Nhật tại Sakai.
Võ sinh Tembely Kassim (Pháp), người lần đầu tiên đến với liên hoan võ cũng có cảm nhận: “Liên hoan đã làm cho tôi thật sự yêu Việt Nam hơn, ở đây tôi có thể giao lưu, gặp gỡ nhiều võ sư, võ sĩ để hiểu rõ hơn về môn võ Việt và các môn phái võ khác”.
Hơn 1.500 võ sư, võ sĩ gặp được cơ duyên với võ Việt một cách khác nhau nhưng họ đều thể hiện sự yêu thích, khâm phục và kính trọng các phái võ này nên họ rất tự hào khi được biểu diễn nơi đất tổ môn phái của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét