Em yên mến!
Mấy ngày ở Ngọc
Tem (thuộc huyện Kon Plong - Kon Tum), khi những cơn mưa rừng ào ào đổ xuống,
khi quanh mình trùng trùng núi non vây bủa, không sóng điện thoại, không điện
thắp sáng, chỉ có đống lửa và những thân phận... anh bỗng nhớ em đến vô cùng.
Em ạ, chúng ta
đang ở thành phố rực rỡ đèn hoa, phố thị đông đúc người qua lại với bao màu sắc
làm rực rỡ phố phường, cần gặp ai chỉ cần nhấc máy... quá đủ đầy nhưng
hàng ngày vẫn than phiền về cuộc sống, than phiền về dịch vụ và có phần bất mãn.
Vậy mà ở cách
chúng ta không xa lắm, những người giáo viên cũng xuất thân từ thành thị phải
băng rừng đi nhiều ngày để đến điểm trường dạy học. Trên đường đến trường là
những con suối mùa lũ hung dữ, là những cánh rừng toàn vắt, bùn lầy... biết bao
nhiêu nguy hiểm. Những con dốc hun hút chỉ cần một cái trượt chân là ném thân
xác xuống vực sâu. Họ bỏ lại sau lưng những ước mơ đô thị, khát vọng hào hoa,
bỏ gia đình và người thân, bè bạn, cắt đứt tất cả để đi về phía rừng sâu. Nơi
ấy có đàn em thơ chưa biết chữ i tờ.
Ở với bản làng,
nghe kể những câu chuyện về đời họ mà không cầm được lòng...
Đêm. Chỉ còn
tiếng ầm ào của những con suối, tiếng mưa rừng miên mang nỗi buồn vây kín những
câu chuyện kể.
Hơn 10 thầy cô
giáo cắm bản ở Trường THCS Ngọc Tem (cách trung tâm Măng Đen 50 km đường rừng).
Họ là những người trẻ. Ai lớn tuổi nhất là 24 tuổi. Cái tuổi đầy mơ mộng, đầy
khát khao. Trước đó, xung quanh họ cũng bạn bè đông đúc, và hình như họ cũng có
một hình bóng ôm ấp trong trái tim. Học ở trường sư phạm với mong muốn đem lại
một chút gì mới mẻ cho cuộc đời.
Rồi cuộc sống mưu
sinh gọi. Họ vẫy chào thành thị, tạm biệt bạn bè nộp đơn vào một huyện xa để có
cơ hội. Ngày nhận công tác, họ phải đi xem ôm đến ngôi trường họ chưa bao giờ
nghe đến tên. Vượt một ngày đường, nơi nào đi xe máy không được thì đi bộ. Rừng
cứ hun hút hiện ra. "Chú ơi, gần đến nơi chưa?", "Còn lâu".
Xe cứ số 1 gầm rú trườn lên những con dốc rồi bố thắng nhả mùi khét nẹt khi
phải ghìm trước độ sâu của đèo dốc. Có đoạn bùn văng lên phủ lấy chiếc áo sinh
viên còn chưa thấm nỗi nhọc nhằn.
Trời chạng vạng
tối, bác xe ôm gọn lỏn như không còn sức: "Tới rồi". "Dạ, đây mà
là trường hả chú?!". "Cô không tin tôi à?". "Chú cho con
gởi tiền", "600 ngàn cháu. Chú chỉ lấy tiền xăng thôi. Tội
nghiệp quá". Lủi thủi bước vào cổng trường, lòng quặn thắt. Bác xe ôm
vọng theo: "Cẩn thận vắt nhé". Cô giáo trẻ giật thót mình, ré lên một
tiếng rồi đu bám lên người đàn ông cao to. Hoàng hồn, cô bẽn lẽn "Xin
lỗi". Người đàn ông đó là ông hiệu trưởng ra đón cô giáo mới.
Đêm đầu tiên, cô
giáo không biết điều gì đang xảy ra với mình. Đêm cứ đặc quánh, tiếng suối cứ
như lời than vãn rầu rĩ về một câu chuyện buồn suốt đời không giải thoát. Trời
lạnh. Phong phanh. Cô chưa biết mình phải chuẩn bị những gì.
Ngày đầu tiên cô
khóc nấc mấy lần. Khóc không phải vì buồn mà vì vắt. Vắt đầy ở nhà bếp, ở nhà
cầu, ở ngay trước phòng ngủ. Nói là phòng ngủ chứ thật ra đó là
tấm phản kê tạm
trong phòng học. Nhà cầu được làm bằng lá rừng vây lại. Vách tường nhà tắm là
những vách núi. Cứ đứng thế giữa trời cho vòi nước được kéo từ suối vào chảy
lên người.
Chợ. Trên những
chiếc xe Min Khơ vắt vẻo những con cá đã chực ương. Hỏi mua con các nục, bác
chủ chợ "cho xin 20 ngàn". Cô giật mình, con cá này ở phố lúc đắt cũng
chỉ 5 ngàn thôi. Rồi cô cũng trấn tĩnh được khi nhớ lại chặng đường con cá đến
đây. Giống mình hôm qua. Mang giỏ về, cô nhẩm tính: Lương họp đồng 2 triệu/
tháng chỉ đủ để đi chợ hai tuần, còn hai tuần nữa sống bằng cái gì, khi nào đủ
tiền để đi xe ôm về nhà?
Một cô giáo tên
Trang Nhung quê ở tận Ea Sup (Đăk Lăk) đã hơn một tuần đến nhận công tác kể:
“Tôi không nghĩ có những ngôi trường sâu thăm thẳm như thế. Cái gì cũng ngỡ
ngàng, nhưng các anh chị ở được chắc mình cũng ở được, không sao”. Các cô giáo
ngồi bên cười đồng cảm “Lúc mới vào đây, hơn một tháng ở nhà không liên lạc
được cứ nghĩ mình mất tích chạy tìm loạn lên”, cô Nhung chùng xuống “Gia đình
mình cũng không biết mình đi đâu”. Cô giáo Lê Thị Thủy (quê ở Đăk Hà) mới sinh
con hơn 4 tháng nhưng hơn 1 tháng rồi chưa về nhà thăm con được vì mưa đường đi
nguy hiểm. Còn thầy Trần Ngọc Hưởng, trưởng Phòng giáo dục huyện Kon Plong thì
cho biết, đã có 3 cô giáo bị lũ cuốn chết trên đường đi dạy…
Anh không tin
những nụ cười kia vẫn đủ sức ở lại trên môi những cô giáo trẻ này. Không chỉ
dạy ở trường, các điểm trường ở trong bản phải đi bộ gần một ngày rừng mới tới.
Cô Thủy kể: Họ gọi chúng tôi là giáo viên cắm bản. Vừa dạy vừa vào làng vận
động học sinh đến lớp. Nhiều bản nói tiếng kinh ít mà mình nói tiếng đồng bào
không nhiều nên khó khăn lắm.
Em ạ, chúng ta
đang phổ cập giáo dục, cõng con chữ đến từng làng, xóa dần khoảng cách giữa
miền núi với đồng bằng… anh nghĩ, để trang giáo án mở được giữa đại ngàn là cuộc
chiến ấy đầy cam go, và hằng ngày nhiều giáo viên như những chiến sĩ lặng lẽ hy
sinh phần tuổi trẻ của mình cho sự nghiệp, cho đất nước. Họ đáng được tôn vinh lắm
em ạ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét