CỒNG CHIÊNG-NAY CÒN, MAI MẤT...
Phóng sự: Phương Duyên
Chỉ
trong 2 chuyến công tác đến 2 huyện, chúng tôi rơi tõm từ thực tại này sang
thực tại khác: Một nơi tiếng chiêng là nỗi ám ảnh, tiếng chiêng hòa lẫn vào
từng nếp nhà, từng sinh hoạt; một nơi đã chục năm nay chẳng còn bóng dáng một
bộ cồng chiêng nào!
Vượt hơn 60 cây
số từ TP. Pleiku, chúng tôi đến làng Dăng, xã biên giới Ia O (Ia Grai) vào một
buổi sáng mưa phùn. Dù vậy, có một lý do thật đặc biệt khiến chúng tôi không
muốn trì hoãn chuyến đi này: Đây là ngôi làng nhiều cồng chiêng nhất xã, xã
nhiều cồng chiêng nhất huyện, huyện này lại nổi tiếng có nhiều cồng chiêng nhất
tỉnh! Và căn cứ theo số liệu báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, có thể
khẳng định đây cũng là làng có nhiều cồng chiêng nhất Tây Nguyên, bởi đến nay
Gia Lai đang là tỉnh lưu giữ được số lượng cồng chiêng nhiều nhất so với 4 tỉnh
Tây Nguyên còn lại.
·
Đến làng
nhiều cồng chiêng nhất Tây Nguyên
Tiếp chúng tôi
tại nhà trong cái lạnh lẽo và ẩm ướt của mùa mưa Tây Nguyên, Ksor Phiếu-trưởng
thôn làng Dăng-tự hào cho biết, làng có đến 86 bộ cồng chiêng, trong đó có 2 bộ
chiêng rất quý gọi là chiêng Pat được đúc bằng loại nguyên liệu cực kỳ quý hiếm
là đồng đen. “Đây là loại chiêng quý nhất trong các loại chiêng quý”-Ksor Phiếu
nói chắc như đinh đóng cột. Chưa kể hàng chục bộ chiêng khác cũng quý hiếm
không kém được truyền từ đời này sang đời khác, có số tuổi lên đến cả trăm năm.
“Chiếng Pat nghe
có hay hơn chiêng thường không?”. “Có chớ, đánh nghe hay hơn nhiều chớ!”-Nói
rồi Ksor Phiếu dẫn chúng tôi sang nhà già Rơchăm Pem gần đấy, một trong hai gia
đình có chiêng Pat. Thấy chúng tôi đi cùng trưởng thôn, già Pem, năm nay gần 70
tuổi, không ngần ngại vào kho lấy ra chiếc chiêng quý lâu nay được cất kỹ, chỉ
dùng trong những dịp lễ lớn của làng. Chiếc chiêng đủ sức làm mọi người kinh
ngạc vì kích thước của nó với đường kính xấp xỉ 60cm, màu đen nâu rắn rỏi, nặng
dễ đến cả chục kg. Thong thả ngồi bệt xuống trước cửa nhà, già Pem kể về “lịch
sử” chiếc chiêng: Đây là chiếc chiêng của ama, amí (bố mẹ) già mua từ lâu lắm
rồi, nghe nói phải mua bằng mấy chục con trâu. Sau này, ama amí để lại cho em
gái già, rồi khi bà này mất thì nó thuộc về đứa con gái của bà là Bleo. Sợ cháu
trẻ người không giữ được chiêng quý, già bèn mua lại của Bleo chiếc chiêng này
cách đây chừng 5 năm với cái giá “kỷ lục”: 4 trâu, 5 bò, ngoài ra còn cho cháu
gái thêm 14 triệu đồng để xây nhà! Kể xong, già Pem đứng dậy cầm lấy chiếc dùi
gõ vài tiếng thật nhẹ vào mặt chiêng. Thật kỳ lạ, chỉ bằng những cú gõ nhẹ,
tiếng chiêng đã vang rền khắp khu vườn, lan tỏa mãi trong không gian như những
vòng tròn đồng tâm không dứt. Già Pem cho biết, có người đã đánh tiếng mua
chiếc chiêng này với giá hơn 200 triệu đồng nhưng già nhất định không bán. “Phải
giữ lại để khi mình chết đi thì phải có cái chiêng này đánh cho mình chớ”-già
Pem nói. Có đôi chút hiểu biết về văn hóa Tây Nguyên thì mới hiểu hết nỗi lòng
của già Pem. Tiếng cồng chiêng thiêng liêng và gần gũi vậy đó, nó theo con
người ta từ lúc chào đời cho đến khi nhắm mắt về với Atâu.
Rời nhà già Pem,
Ksor Phiếu dẫn chúng tôi sang nhà bà Ksor Byơih, hiện gia đình bà là một trong
số những hộ còn giữ nhiều cồng chiêng nhất làng. Nhưng đến nơi, nhìn khắp lượt ngôi
nhà sàn chẳng thấy bóng dáng cồng chiêng đâu. Chị Ksor Hueo, con gái bà Byơih, miệng
ngậm tẩu thuốc chẳng nói chẳng rằng leo thẳng một mạch và đu người lên xà nhà
rồi thả mình xuống một cái kho hẹp phía bên trong, lần lượt chuyển ra mấy bộ
chiêng. Hỏi sao không làm cửa cho tiện ra vào mà phải leo trèo, chị Hueo cảnh
giác nói: “Nếu làm cửa thì người ngoài sẽ biết nhà có cồng chiêng mà vào lấy
trộm mất. Làng mình có nhiều nhà bị mất trộm cồng chiêng lắm”. Hiện nhà chị còn
tới 6 bộ cồng chiêng, cá biệt có bộ có tới mười mấy chiếc, chủ yếu là chiêng
đồng. Hỏi tuổi cồng chiêng thì chị không nhớ nổi, chỉ biết là đã có từ lâu lắm
rồi, từ hồi ama amí chị còn chưa sinh ra. Mỗi khi làng có lễ hội như Mừng được mùa
hay Pơthi (bỏ mả), chị mới lấy chiêng ra cùng tham gia với làng.
·
Nơi
“người chết không được nghe tiếng chiêng”...
Hôm sau, ngược
về hướng Đông Nam ,
chúng tôi đến huyện Đăk Đoa. Nếu Ia Grai dẫn đầu về số lượng cồng chiêng trong
khu vực người Jrai (và cả toàn tỉnh) thì Đăk Đoa lại là huyện có số làng
“trắng” cồng chiêng nhiều nhất trong khu vực người Bahnar trên địa bàn tỉnh.
Một cán bộ phòng Văn hóa-Thông tin huyện cho biết, cá biệt, Đăk Đoa có 2 xã
hoàn toàn... không còn cồng chiêng là xã Trang và xã Ia Pết.
Trao đổi với chúng
tôi, anh Trịnh Nhân Nghĩa-cán bộ văn hóa xã Trang-thừa nhận, cách đây chừng 10
năm xã vẫn còn cồng chiêng, còn bây giờ thì chẳng còn lấy một chiếc! Nguyên
nhân rất nhiều: Do nghèo đói mà bán đi, do thanh niên không hiểu hết giá trị
cồng chiêng nên... thừa lúc bố mẹ đi rẫy bán lấy tiền uống rượu; ngoài ra, do
một số thay đổi tín ngưỡng của đồng bào Bahnar nơi đây nên cồng chiêng cũng dần
mất đi vị trí thượng tôn trong cộng đồng làng. Anh Yốp, một người dân làng Ghè
nói: “Cồng chiêng làng mình bán hết rồi, bán lâu rồi!”. Theo lời kể của anh
Yốp, năm 2000, khi nhà ông Nip bán đi bộ cồng chiêng cuối cùng của gia đình thì
cũng là lúc làng Ghè không còn bộ cồng chiêng nào. Yốp vẫn còn nhớ bộ chiêng
này có tới hơn 20 chiếc, được ông Nip đem bán cho người mua đồng nát, cứ... cân
ký lên rồi tính tiền. Từ đó đến nay, cồng chiêng trở thành những thanh âm rất
xa vời, xa xỉ đối với làng Ghè và cả xã này. “Làng vắng tiếng cồng chiêng thì
buồn lắm! Nhiều lúc người chết không được nghe tiếng cồng chiêng”-anh Yốp nói
đầy luyến tiếc.
Đó là kết quả tất
yếu của một ngôi làng vắng bặt tiếng cồng chiêng: Một đời sống văn hóa lặng lờ,
tẻ ngắt! Chính một người rặt Quảng Nam như anh Nghĩa mà còn thấy buồn,
vì anh đã gắn bó với nơi này đủ lâu để biết yêu bản sắc nơi đây. Năm 2005, tình
cờ xã “bắt” được một tay buôn cồng chiêng đang chở một bộ cồng chiêng gồm 20
chiếc ngang qua UBND xã. Theo như “khai nhận” của người này thì bộ cồng chiêng
được mua lại của một gia đình ở huyện Chư Sê. Đang lúc nhớ quá tiếng cồng
chiêng, xã bèn mua lại bộ cồng chiêng này (tất nhiên là với giá rẻ hơn chút ít)
để làng nào cần thì đến mượn về chơi, vì nhiều làng vẫn rất thích cồng chiêng
nhưng không có khả năng mua lại bởi đó là cả một gia sản. Anh Yốp cho biết,
cách đây chừng nửa tháng, khi ông Blung ở làng Phạm Ghè mới mất, người làng cũng
đội mưa đội gió chạy ra UBND xã để mượn bộ cồng chiêng về chơi trong đám chết
của ông.
Phong trào tập
luyện đánh cồng chiêng bắt đầu sôi nổi trở lại khi cùng với việc mua lại bộ
cồng chiêng, xã cho thành lập một đội cồng chiêng gồm 40 người. Chỉ một năm
sau, đội cồng chiêng của xã đã giành giải khuyến khích hội thi cồng chiêng toàn
huyện. Anh Nghĩa cho biết thêm: Đầu năm 2009, mục sư Siu Y Kim-Ủy viên Tổng
liên hội Hội Thánh Tin lành Việt Nam miền Nam, phụ trách mục vụ Gia Lai-Kon
Tum-có đưa một đoàn cồng chiêng trong tỉnh đi biểu diễn ở TP. Hồ Chí Minh. Dịp
này, Bí thư Đảng ủy xã Trang đã có buổi nói chuyện với người dân trong xã, rằng
mục sư cũng trân trọng tiếng cồng chiêng như vậy, sao dân làng mình lại bỏ cồng
chiêng? Từ đó, nhiều người dân trong xã cũng nghĩ lại, cầm lại cái cồng, cái
chiêng trong những dịp lễ hội.
Không riêng gì các
làng của xã Trang, xã Ia Pết (Đăk Đoa), nạn chảy máu cồng chiêng cũng là thực
trạng chung của 224 làng trong toàn tỉnh (chiếm 18,8%). Trong khi đó, Festival
Cồng chiêng Quốc tế lần thứ I Gia Lai-Việt Nam lại đang đến gần. Có lẽ Festival
này sẽ mang đến một hy vọng mới, một giải pháp mới cho thực trạng nói trên?
P.D
BOX: Sau báo cáo khoa học mới nhất về điều tra, phân loại cồng
chiêng trên địa bàn tỉnh của ngành Văn hóa, huyện Ia Grai (gồm 92 làng) trở
thành vùng đất nổi bật nhất so với cả tỉnh vì số lượng cồng chiêng “vô địch”:
1.116/5.655 bộ, chiếm khoảng 1/5 số lượng cồng chiêng toàn tỉnh. Ia Grai còn
dẫn đầu về số lượng cồng chiêng quý: 353 bộ, chiếm hơn 1/3 số lượng cồng chiêng
toàn tỉnh. Trong khi đó, thực trạng chảy máu cồng chiêng tại huyện Đăk Đoa lại
hết sức đáng ngại: Toàn huyện chỉ còn 131 bộ cồng chiêng/104 làng; hiện có đến
42 làng “trắng cồng chiêng, chiếm tỷ lệ làng “trắng” cồng chiêng cao nhất trong
khu vực người Bahnar trên địa bàn tỉnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét